CHS khóa 83-86 trao học bổng trong Lễ Bế giảng năm học 2023-2024

CHS khóa 83-86 trao học bổng trong Lễ Bế giảng năm học 2023-2024

Ngày 24 tháng 05 năm 2024, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn, Quảng Nam) long trọng tổ chức Lễ Bế Giảng Năm học 2023-2024. Đại diện cho cựu học sinh Nguyễn Duy Hiệu khóa 83-86 có các bạn Phạm Trọng Đăng Sơn ... đã về...

Xem tiếp...

Chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương là gì?

Thứ bảy - 30/09/2017 21:46
Huyết áp và bệnh huyết áp là những cái tên phổ biến mà bất cứ ai cũng đã biết và nghe đến? Hay như chúng ta thường kháo nhau rằng "Tôi bị bệnh huyết áp cao" hay "Tôi chóng mặt và buồn nôn hình như tôi đang bị huyết áp thấp".
Tham khảo thêm trang tin: http://timmachhoc.vn
Tham khảo thêm trang tin: http://timmachhoc.vn

Vấn đề cơ bản huyết áp là gì? Hay cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử như thế nào? Vậy thì nếu bạn đang quan tâm vấn đề này, thì nên đọc bài viết sau đây để có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh huyết áp, cũng như cách nhận biết chỉ số huyết áp để hiểu được sức khỏe của mình đang ở giai đoạn nào, để từ đó mà có những phương pháp chăm sóc và điều hướng cách sinh hoạt, phòng ngừa cho bản thân.​​​​​​

Biết bệnh huyết áp thông qua chỉ số tâm thu và huyết áp tâm trương?

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch, nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể.

Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của ngoại vi - Sức cản đó do nhiều yếu tố như động mạch. Ngoài ra, còn phụ thuộc trực tiếp vào khí hậu nóng lạnh, vào độ sừng hóa của da, bền vững của thành mạch (tính đàn hồi). Ví dụ: Khí hậu nóng lạnh ngoại vi giãn nở, lòng mạch rộng ra, khí hậu lạnh các mạch ngoại vi co lại, lòng mạch hẹp lại...

Huyết áp được đo bằng mi-li-mét thủy ngân (mmHg).

Bệnh huyết áp cũng gây nên những biến chứng nguy hiểm 

Thế nào là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương? 

Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số, thường được viết dưới dạng một tỷ số. Chỉ số thứ nhất (hay chỉ số trên) làhuyết áp 'tâm thu' – là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, xảy ra khi tim co bóp. Chỉ số thứ hai (hay chỉ số dưới) là huyết áp tâm trương – là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim được thả lỏng. 

Chỉ số trên là huyết áp tâm thu và chỉ số dưới là huyết áp tâm trương (Minh họa trên máy đo Beurer BM40)

Đoán bệnh nhờ huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương? 

  • Huyết áp bình thường: Đối với người trưởng thành, khi các chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường.
  • Huyết áp cao: Khi chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg thì được chẩn đoán là huyết áp cao.
  • Tiền cao huyết áp là mức giá trị của các chỉ số huyết áp nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (Huyết áp tâm thu từ 120 - 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 - 89 mmHg).
  • Huyết áp thấp: Hạ huyết áp (huyết áp thấp) được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc giảm 25 mmHg so với bình thường.

Bảng phân loại về chỉ số huyết áp đo được trong nhiều ngày để biết được mình đang cao huyết áp hay thấp huyết áp. 

Và để kết luận một người bị tăng huyết áp hay không người ta cần căn cứ vào trị số huyết áp của nhiều ngày, do đó phải đo huyết áp sáng, trưa, tối trong ngày và theo dõi trong 2 - 3 ngày liên tục. Đặc biệt là những người có huyết áp không ổn định thì bạn cũng nên chủ động sắm cho mình một máy đo huyết áp cổ tay hoặc máy đo huyết áp bắp tay.

Chỉ số huyết áp trên máy đo huyết áp điện tử 

Sự chênh lệch của chỉ số đo huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương nói lên điều gì? 

Huyết áp tâm thu cao hơn huyết áp tâm trương?

Huyết áp được định nghĩa là cao nếu huyết áp thu tâm >140 mmHg và huyết áp trương tâm >90 mmHg. Tuy vậy, không nên coi thường huyết áp với trị số 135/85 nếu kéo dài nhiều ngày.

Chỉ số tự đo huyết áp tại nhà của bạn >135/85 mmHg: nghĩa là huyết áp tâm thu (sys) = 135 mmHg, Huyết áp tâm trương (dia) = 85 mmHg, tức là nguy cơ huyết áp cao, khi đó bạn cần đến bệnh viện để làm các xét nghiệm chẩn đoán và tiến hành điều trị (lưu ý là nên đo huyết áp 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần, nếu vẫn ở mức > 135/85 thì đi bệnh viện). Cần rất thận trọng khi kết luận một người là bị tăng huyết áp và chỉ được khẳng định là bệnh khi tăng huyết áp là thường xuyên. Do đó phải đo huyết áp nhiều lần trong ngày (sáng, trưa, tối), theo dõi trong nhiều ngày.

Lưu ý, trị số huyết áp đơn phương không phản ánh mức độ nghiêm trọng mà là khoảng sai biệt giữa hai trị số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Khoảng này càng hẹp càng nguy hiểm. Thí dụ: huyết áp 150/90 (sai biệt là 60) tuy thuộc về huyết áp cao nhưng ít nguy hiểm bằng huyết áp 140/100 (sai biệt là 40).

Nên đo và theo dõi huyết áp thường xuyên trong nhiều ngày tại nhà để có biện pháp phòng chữa 

Huyết áp tâm thu nhỏ hơn huyết áp tâm trương? 

Khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn <90 mmHg. Ví dụ: Bình thường huyết áp tâm thu của bạn là 140mmHg, hôm nay bạn đo nó còn <100mmHg thì khi đó gọi là tình trạng hạ huyết áp. Bạn cần nhập cấp cứu ngay lập tức. Bên cạnh đó là biểu hiện khác bạn cần nắm được như hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, hay buồn ngủ và lười lao động là những dấu hiệu phổ biến nhất.

Nhiều người chỉ nghĩ bệnh huyết áp cao mới nguy hiểm và chủ quan khi mình bị huyết áp thấp mà không hề biết rằng huyết áp thấp cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Huyết áp thấp bệnh lý do giảm trương lực thần kinh - mạch máu bệnh huyết áp thấp với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ.
 


Theo dõi bảng chỉ số đo huyết áp tiêu chuẩn theo từng độ tuổi

Theo dõi bảng chỉ số đo huyết áp tiêu chuẩn theo từng độ tuổi

Bệnh cao huyết áp không chỉ gặp ở những người cao tuổi, mà cả những người trẻ tuổi thậm chí là trẻ nhỏ cũng có thể bị cao huyết áp. Và với mỗi độ tuổi khác nhau lại có một chỉ số huyết áp bình thường khác nhau. Chỉ số huyết áp bình thường sẽ biến đổi khác nhau vào mỗi năm khác nhau. Cho nên nếu như bạn đã lâu không đo chỉ số huyết áp mà thấy nó tăng hay giảm thì cũng không nên lo lắng, điều đó không có nghĩa là bạn đang bị tăng huyết áp. Bài viết sau đây sẽ nói rõ các thông tin huyết áp ở các lứa tuổi, giúp cho các bạn có cái nhìn sâu hơn về chỉ số huyết áp của bản thân để có các biện pháp phòng tránh và chữa trị phù hợp.

1. Chỉ số huyết áp bình thường là bao nhiêu?

Thông thường, khi bạn muốn tìm hiểu thông tin về các chỉ số huyết áp bình thường của cơ thể, thì bạn sẽ nhận được những tư vấn như sau:

– Về các số đo huyết áp bình thường, gồm có 2 trị số là: Huyết áp tối đa hay còn gọi là huyết áp tâm thu, và huyết áp tối thiểu hay còn gọi là huyết áp tâm trương. Để xác định xem chỉ số huyết áp của bạn có chuẩn hay không phải căn căn cứ vào 2 trị số này, để chẩn đoán huyết áp thế nào là bình thường:

+ Huyết áp bình thường: Đối với người lớn thì nếu huyết áp tâm thu dưới 120mmHgm và huyết áp tâm trương có chỉ số dưới 80mmHg, thì được coi là huyết áp bình thường.

+ Huyết áp cao: Khi huyết áp tâm thu có chỉ số từ 140 mmHg trở lê, hoặc huyết áp tâm trương có chỉ số dưới mức 90 mmHg trở lên, thì sẽ được chuẩn đoán là mắc bệnh cao huyết áp.

+ Tiền cao huyết áp: Khi giá trị của các trị số nằm giữa mức huyết áp bình thường và mức của cao huyết áp ( Là khi Huyết áp tâm thu từ 120-139 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg) thì sẽ được gọi là tiền cao huyết áp.

+ Huyết áp thấp: Bệnh hạ huyết áp hay vẫn gọi là huyết áp thấp, thì sẽ được chẩn đoán là huyết áp thấp, khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg, hoặc giảm 25 mmHg so với mức bình thường.

– Tuy nhiên, tùy theo từng mức độ tuổi, mà lại có những mức chỉ số huyết áp an toàn khác nhau mà không phải ai cũng biết rõ để giải đáp cho bạn. Cho nên, hãy đối chiếu theo bảng thống kê các chỉ số huyết áp bình thường chuẩn theo độ tuổi dưới đây để đánh giá sức khỏe, thể chất của bạn.

– Theo Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA) cho biết, huyết áp của người có Huyết áp bình thường và mức huyết áp an toàn cho mọi người là ở mức thấp hơn 120/80 mm / hg.

Điều này có nghĩa là, khi chúng ta dùng máy đo huyết áp để đo, nếu như người nào có tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn mức chuẩn, hoặc thấp hơn thì nên cẩn thận trọng trong chế độ ăn uống, và sinh hoạt của mình để tránh tình trạng cao huyết áp, hoặc hạ huyết áp. Tuy nhiên, Ngay cả khi huyết áp ở mức bình thường thì nó cũng có thể thay đổi một chút, tùy theo độ tuổi.

– Dưới đây là chỉ số huyết áp bình thường chuẩn, theo lứa tuổi. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn và gia đình bạn trong quá trình bạn sử dụng máy đo huyết áp:

– Độ tuổi từ 15-19 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: 105/73 mm / Hg, BP Trung bình:117/77 mm / HG, BP tối đa: 120/81 mm / Hg

-Độ tuổi từ 20-24 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: h108/75 mm / Hg, BP Trung bình: 120/79 mm / Hg, BP Tối đa: 132/83 mm / Hg

-Độ tuổi từ 25-29 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: 109/76 mm / Hg, BP Trung bình 121/80 mm / Hg, BP tối đa 133/84 mm / Hg

-Độ tuổi từ 30-34 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: 110/77 mm / Hg, BP trung bình: 122/81 mm / Hg, BP tối đa: 134/85 mm / Hg

Chỉ số huyết áp theo độ tuổi

– Độ tuổi 35-39 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: 111/78 mm / Hg, BP trung bình: 123/82 mm / Hg, BP tối đa: 135/86 mm / Hg

– Độ tuổi từ 40-44 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: 112/79 mm / Hg, BP trung bình: 125/83 mm / Hg, 137/87 mm / Hg

– Độ tuổi từ 45-49 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: 115/80 mm / Hg, BP trung bình: 127/64 mm / Hg, BP tối đa: 139/88 mm / Hg

– Độ tuổi từ 50-54 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: 116/81 mm / Hg, BP trung bình 129/85 mm / Hg, BP tối đa : 142/89 mm / Hg

– Độ tuổi từ 55-59 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: 118/82 mm / Hg, BP trung bình 131/86 mm / Hg, BP tối đa: 144/90 mm / Hg

– Độ tuổi từ 60-64 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là: Minimum-BP: 121/83 mm / Hg, BP trung bình 134/87 mm / Hg, BP tối đa: 147/91 mm / Hg

2. Lưu ý khi đo huyết áp để có kết quả chính xác

Đo huyết áp thường xuyên với máy đo huyết áp điện tử tại nhà

– Thư giãn khoảng 10 phút trước khi đo.

– Các lần đo liên tiếp phải cách nhau ít nhất 2 phút.

– Tránh ăn no, hút thuốc, và uống rượu bia trước khi đo

– Luôn tiến hành đo với cùng một cánh tay, thường hay đo ở cánh tay bên trái.

– Giữ vị trí động mạch cánh tay luôn ngang bằng so với tim.

– Không mặc áo bó chặt bắp tay.

– Không nói chuyện, di chuyển, và bắt chéo chân, hay co bóp cơ tay trong quá trình đo.

– Khi đo thấy chỉ số cao quá thì nên lặp lại lần đo ở các ngày kế tiếp theo trong cùng điều kiện. Nếu thấy không mấy thay đổi nên tìm đến sự tham vấn bác sĩ.

Tại sao bạn cần phải biết ý nghĩa của những chỉ số huyết áp?

Việc hiểu được những con số này thì thật ra không dễ chút nào vì chúng chứa những từ ngữ chuyên môn như “tâm thu”, “tâm trương”, “mi-li-mét thủy ngân” (mmHg). Tuy phức tạp, nhưng bạn vẫn phải hiểu chúng để có thể kiểm soát được huyết áp của mình, điều quan trọng là bạn phải biết ở mức nào được xem là bình thường, cũng như khi nào thì huyết áp bạn được xem là quá cao.

Nếu bạn hiểu được những khái niệm sau đây thì bạn sẽ có thể tự đọc được kết quả xét nghiệm huyết áp của mình.

Những con số huyết áp này là gì?

Mọi người đều muốn có một cơ thể khỏe mạnh và có một mức huyết áp bình thường. Khi bác sĩ tiến hành đo huyết áp cho bạn, kết quả sẽ được hiển thị bởi hai con số, một con số nằm phía trên và một con số nằm phía dưới giống như là một phân số. Ví dụ như: 120/80 mmHg

Con số ở trên chỉ áp lực trong động mạch của bạn trong lúc cơ tim co lại; đây gọi là huyết áp “tâm thu”. Số dưới chỉ huyết áp khi cơ tim của bạn đang giãn ra, đây gọi là huyết áp “tâm trương”.

Thế nào là huyết áp bình thường?

Kết quả bình thường là khi chỉ số trên dưới 120 và chỉ số ở dưới nhỏ hơn 80.

Khi cả huyết áp tâm thu và tâm trương ở trong khoảng này, bạn được xem là có huyết áp ở mức bình thường.

Chú ý là những chỉ số huyết áp được đo bằng “mi-li-mét thủy ngân”, viết tắt là “mmHg”. Nói tóm lại, kết quả huyết áp bình thường phải nhỏ hơn 120/80 mmHg.

Giai đoạn tiền tăng huyết áp, dấu hiệu cảnh báo sắp bị bệnh?

Kết quả huyết áp lớn hơn 120/80 mmHg là một dấu hiệu báo động bạn cần phải thay đổi lối sống lành mạnh cho tim mạch.

Khi huyết áp tâm thu của bạn (số phía trên) trong khoảng 120 và 139 mmHg hay tâm trương của bạn (số ở dưới) trong khoảng 80 và 89 thì bạn đang bị “tiền tăng huyết áp”.

Mặc dù chỉ số này không được coi là “cao huyết áp”, nhưng nên nhớ là bạn đã ra khỏi khoảng bình thường. Chỉ số trong khoảng này làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp thật sự, tăng rủi ro mắc bệnh tim và đột quỵ.

Các phân độ của cao huyết áp gồm những gì?

Độ 1

Thông thường, bạn sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh cao huyết áp khi huyết áp tâm thu ở mức 140 và 159 mmHg, hoặc khi huyết áp tâm trương ở khoảng 90 đến 99 mmHg. Đây được xem là cao huyết áp độ 1.

Tuy nhiên, nếu bạn mới đo một lần duy nhất ra kết quả này thì bạn vẫn chưa được chẩn đoán là thực sự bị cao huyết áp. Bạn chỉ được chẩn đoán là bị cao huyết áp nếu những con số huyết áp vẫn cao trong một thời gian dài.

Bác sĩ của bạn có thể giúp bạn đo và theo dõi huyết áp của bạn để xác định xem nó có quá cao hay không.

Độ 2

Nếu giai đoạn 1 huyết áp cao là một mối lo, giai đoạn 2 huyết áp cao lại càng cho thấy tình trạng nghiêm trọng hơn. Nếu huyết áp của bạn có số phía trên lớn hơn 160, hay số phía dưới lớn hơn 100, bạn đang mắc phải cao huyết áp độ 2.

Ở giai đoạn này, ngoài việc thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm cân, ăn uống kiêng cữ hơn, và tập thể dục nhiều hơn – bác sĩ có thể kê cho bạn một hoặc nhiều loại thuốc để giữ cho huyết áp của bạn trong tầm kiểm soát.

Vùng nguy hiểm

Khi chỉ số huyết áp trên 180/110 mmHg – hoặc có một trong hai tâm thu hoặc tâm trương cao hơn chỉ số này, điều này cho thấy bạn đang mắc một bệnh nghiêm trọng.

Chỉ số huyết áp cao như vậy cho thấy bạn đang có “cơn tăng huyết áp” và đòi hỏi phải được điều trị ngay lập tức.

Tuy nhiên, đôi khi giá trị huyết áp lúc đầu rất cao nhưng sau đó lại trở về bình thường. Nên thông thường bác sĩ có thể đo lại lần nữa sau ít phút. Kết quả lần hai nếu vẫn cao như vậy thì nghĩa là bạn cần phải được điều trị khẩn cấp.

Biện pháp phòng ngừa

Ngay cả khi chỉ số huyết áp của bạn trong mức bình thường, bạn cũng không được lơ là với sức khỏe của mình. Bác sĩ đã khuyến cáo rằng ngay cả những người có những có chỉ số bình thường cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giúp họ tiếp tục giữ huyết áp ở mức bình thường, và hạn chế khả năng phát triển bệnh cao huyết áp hay tim mạch.

Khi bạn lớn tuổi hơn, việc phòng ngừa lại càng trở nên quan trọng. Huyết áp tâm thu có xu hướng tăng một khi bạn đã trên 50 tuổi. Để duy trì cân nặng hợp lý và khỏe mạnh, bạn có thể tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống hợp lý. Cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn làm giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.

Cao huyết áp nên ăn gì? 12 “thần dược” không thể bỏ qua!

Tác giả:       Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh.

Uống thuốc có thể giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Điều này hẳn ai cũng biết. Tuy nhiên, bạn có biết thực phẩm tự nhiên cũng có thể điều chỉnh huyết áp? Cao huyết áp nên ăn gì? Câu trả lời nằm ngay trong bài viết sau đây, tham khảo ngay nhé!

Thay vì uống thuốc để duy trì huyết áp ở mức bình thường, những người cao huyết áp nên tăng cường 12 loại thực phẩm sau đây vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.

1. Các loại rau lá xanh

Không chỉ nổi tiếng với hàm lượng axit folic dồi dào, các loại rau lá xanh cũng là một nguồn kali phong phú. Bổ sung kali cho cơ thể sẽ giúp thận đẩy nhanh quá trình đào thải muối trong nước tiểu, từ đó giúp huyết áp giảm.

Một số loại ra lá xanh có hàm lượng kali cao bao gồm:

  • Rau diếp
  • Cải xoăn
  • Rau chân vịt
  • Cải cầu vồng
  • Cải búp

Bạn nên ưu tiên sử dụng rau tươi, bởi các loại rau đóng hộp thường có thêm muối.

2. Việt quất

Các loại quả mọng, nhất là việt quất, rất giàu chất tự nhiên flavonoid. Một nghiên cứu về mối liên hệ giữa bổ sung flavonoid và huyết áp công bố trên The American Journal of Clinical Nutrition năm 2011 cho thấy, thường xuyên bổ sung flavonoid có thể giúp ngăn ngừa cao huyết áp hiệu quả. Ngoài việt quất, bạn có thể thêm quả mâm xôi, dâu tây vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày nếu muốn giảm huyết áp.

3. Củ dền

Thành phần oxit nitric trong củ dền giúp mở các mạch máu và giảm huyết áp. Trong một nghiên cứu khác, các chuyên gia cũng nhận thấy chất nitrat trong nước ép củ dền làm giảm huyết áp của những người tham gia nghiên cứu trong vòng 24 giờ.

4. Sữa tách béo (skim milk) và sữa chua

Giàu canxi và ít chất béo là 2 nhân tố quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người cao huyết áp. Và sữa tách béo cùng sữa chua là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, phụ nữ ăn ít nhất năm phần sữa chua mỗi tuần có thể giảm 20% nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.

Cao huyết áp nên ăn gì - Sữa và sữa chua
So với sữa chua có đường, bạn nên ưu tiên loại ít đường hoặc không đường

5. Yến mạch

Cao huyết áp nên ăn gì? Thực đơn chắn chắn sẽ không thể thiếu yến mạch với hàm lượng chất xơ cao, ít chất béo và muối. Ăn bột yến mạch cho bữa ăn sáng là một cách tuyệt vời để tiếp nhiên liệu cho ngày mới.

6. Chuối

Giống như các loại rau lá xanh, chuối cũng rất giàu kali, có tác dụng hiệu quả để đào thải muối trong nước tiểu ra ngoài. Bạn có thể kết hợp yến mạch và chuối cho bữa sáng để bổ sung kali cho cơ thể. Nếu có một buổi sáng vội vã, bạn có thể ăn một trái chuối và một quả trứng, bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho một bữa sáng dinh dưỡng.

7. Cá béo

Cá là một nguồn protein nạc tuyệt vời. Các loại cá béo như cá thu, cá hồi chứa nhiều axit béo omega-3, có thể hạ huyết áp, giảm viêm, giảm nồng độ triglyceride “xấu” trong máu. Ngoài omega-3, cá hồi cũng là một trong số ít những thực phẩm chứa vitamin D, dưỡng chất có tác dụng hạ huyết áp.

8. Các loại hạt

Ngoài kali, các loại hạt còn chứa magiê và nhiều khoáng chất khác cũng có tác dụng hạ huyết áp. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn các loại hạt tươi hoặc chưa được tẩm muối. Hạt hướng dương, hạt dẻ, quả óc chó, hạt bí có thể dùng như một bữa nhẹ dinh dưỡng.

Cao huyết áp nên ăn gì - Các loại hạt
Thủ sẵn một bịch hạt trong tủ và bạn vừa có thể cứu đói khi buồn miệng, vừa có thể giảm huyết áp hiệu quả

9. Tỏi và các loại gia vị thảo mộc

Tỏi chứa nitric oxide thúc đẩy giãn mạch, mở rộng các động mạch giúp giảm huyết áp. Sử dụng các loại gia vị thảo mộc khi chế biến thức ăn có thể giúp bạn cắt giảm bớt lượng muối không cần thiết.

10. Chocolate đen

Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy ăn 100g chocolate đen mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Chocolate đen chứa hơn 60% chất ca cao rắn và ít đường hơn chocolate thông thường. Bạn có thể thêm chocolate đen vào sữa chua hoặc ăn chocolate cùng với trái cây như dâu tây, quả việt quất hoặc quả mâm xôi như một món tráng miệng lành mạnh.

11. Dầu ô liu

Dầu ô liu chứa polyphenol, là các hợp chất chống viêm có thể giúp làm giảm huyết áp. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Mỹ cho thấy, khi kết hợp các loại chất béo chưa bão hòa chứa nhiều trong dầu ô liu và các loại rau tươi có thể tạo ra một loại axit béo giúp hạ huyết áp.

12. Lựu

Một nghiên cứu kết luận rằng uống một cốc nước lựu mỗi ngày/lần trong 4 tuần sẽ giúp hạ huyết áp trong thời gian ngắn. Nếu không muốn uống nước ép, bạn có thể ăn lựu nguyên chất. Hiệu quả mang lại cũng tương tự.

Kiểm soát bệnh cao huyết áp với vitamin và khoáng chất

Tác giả: Tham vấn y khoa: Lê Thị Mỹ Duyên.


Kiểm soát bệnh cao huyết áp với vitamin và khoáng chất

Các loại vitamin và khoáng chất cần thiết từ bữa ăn hằng ngày có thể giúp bạn kiểm soát bệnh cao huyết áp hiệu quả và duy trì một cơ thể khỏe mạnh.

Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh cao huyết áp. Thế nhưng, bạn có biết những loại vitamin và khoáng chất nào cần được hấp thụ nhiều để duy trì huyết áp ở mức ổn định hay không? Sau đây là một số loại vitamin và khoáng chất tốt cho bệnh nhân cao huyết áp.

Kali

Kali đóng vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ các chức năng thông thường của cơ, bao gồm cả việc thư giãn các mô mạch máu, giúp giảm huyết áp và tránh chuột rút. Kali giúp duy trì huyết áp ở mức ổn định bằng cách làm giảm tác dụng của natri. Ngoài ra, hàm lượng kali ở mức bình thường cũng giúp bảo vệ bạn khỏi tình trạng nhịp tim bất thường bằng cách duy trì các tín hiệu điện trong tim và hệ thần kinh trung ương.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo hàm lượng kali cần thiết cho cả nam và nữ là 4.700 mg/ngày. Các thực phẩm chứa nhiều kali bao gồm khoai tây, mận, mơ, nấm, đậu Hà Lan, cam, cá ngừ, rau bó xôi, cà chua, nho khô, sữa không béo và sữa chua.

Magiê

Magiê cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh cao huyết áp. Mức magiê ổn định trong cơ thể sẽ giúp các mạch máu thư giãn, giảm áp lực máu và giảm nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, magiê dễ bị mất đi do được thải ra ngoài bằng nước tiểu.

Magiê được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm như rau xanh, ngũ cốc và đậu. Lượng magiê cần thiết đối với nam giới từ 50 tuổi trở lên là 420 mg/ngày, còn đối với phụ nữ từ 50 tuổi trở lên 320 mg/ngày.

Tuy nhiên, nếu bạn tiêu thụ quá nhiều magiê thì sẽ rất dễ bị tiêu chảy.

Canxi

Canxi giúp các thành mạch máu thắt chặt và thư giãn khi cần thiết, giúp điều chỉnh và ổn định huyết áp. Canxi được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm như sữa, phô mai, cải xoăn, rau bó xôi và các loại cá như cá hồi, cá mòi…

Lượng canxi cần thiết đối với nam giới từ 51 tuổi trở lên là từ 1.000–1.200 mg, còn đối với phụ nữ từ 51 tuổi trở lên là 1.200 mg/ngày.

Vitamin E

Vitamin E là một loại vitamin tan được trong chất béo. Vitamin E được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm bao gồm ngũ cốc, thịt, trứng, hoa quả, gia cầm, rau, dầu thực vật và các chất bổ sung. Cơ thể thường lưu trữ nhiều vitamin E, vì vậy tình trạng thiếu hụt vitamin E rất hiếm khi xảy ra.

Vitamin E ảnh hưởng đến quá trình sản xuất oxit nitric, một chất làm giãn các mạch máu, giúp giảm huyết áp tâm thu và tâm trương. Do đó, loại vitamin này thường được dùng trong điều trị chứng cao huyết áp.

Vitamin E cũng giúp ngăn ngừa chứng cơn nhồi máu cơ tim, đau ngực, bệnh Alzheimer, rối loạn về máu, các vấn đề về da hoặc bệnh Parkinson.

Vitamin C

Vitamin C là loại vitamin có khả năng tan trong nước. Cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh ra vitamin C, do đó bạn chỉ có thể hấp thu vitamin C từ các loại thực phẩm như trái cây, rau tươi và các chất bổ sung. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng bạn nên tiêu thụ nhiều loại thực phẩm giàu vitamin C hơn là bổ sung chúng qua các thực phẩm chức năng.

Vitamin C có khả năng điều trị hoặc ngăn ngừa một số tình trạng bệnh như nhiễm trùng, trầm cảm, bệnh Alzheimer, mệt mỏi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cholesterol cao và đặc biệt là bệnh cao huyết áp.

Vitamin C cũng góp phần làm giảm chứng stress oxy hóa, thúc đẩy quá trình tạo oxit nitric, giúp hạ huyết áp hiệu quả.

Vitamin D

Vitamin D có thể tan được trong chất béo. Bạn có thể tiêu thụ nhiều loại thực phẩm có chứa vitamin D như các loại cá nhiều chất béo (cá thu, cá ngừ); các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, phô mai), nước trái cây và ngũ cốc có dán nhãn “bổ sung vitamin D”. Tuy nhiên, nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu là từ ánh sáng mặt trời.

Vitamin D dùng để hỗ trợ cho những bệnh nhân mắc bệnh về mạch máu, rối loạn tim mạch như huyết áp cao, cholesterol cao cũng như các bệnh nhân béo phì, tiểu đường, suy thận, yếu cơ, các bệnh về răng miệng và nướu.

Những gì bạn ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Do đó, bạn nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt tiêu thụ nhiều thực phẩm có chứa các khoáng chất và vitamin như kali, magiê, vitamin D, E và C… để duy trì mức huyết áp ổn định.

 

TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ TIM MẠCH HỌC

Điều trị tăng huyết áp tâm thu ở người lớn tuổi

Theo các nghiên cứu dịch tễ học, tần suất lưu hành tăng huyết áp trong dân số tăng theo tuổi. Điều tra NHANES (National Health and Nutrition Examination Survey) lần 3 ở Hoa Kỳ cho thấy 2/3 người trên 60 tuổi bị tăng huyết áp
Hồ Huỳnh Quang Trí
Viện Tim TP.HCM

TĂNG HUYẾT ÁP TÂM THU - VẤN ĐỀ Y TẾ QUAN TRỌNG

Theo các nghiên cứu dịch tễ học, tần suất lưu hành tăng huyết áp trong dân số tăng theo tuổi. Điều tra NHANES (National Health and Nutrition Examination Survey) lần 3 ở Hoa Kỳ cho thấy 2/3 người trên 60 tuổi bị tăng huyết áp 1. Còn trong nghiên cứu Framingham, trong số những người trước đây có huyết áp bình thường, hơn 90% được phát hiện có tăng huyết áp ở tuổi 55 2. Có một điểm đáng lưu ý là dạng tăng huyết áp thay đổi theo tuổi. Đa số người bệnh tăng huyết áp dưới 50 tuổi có tăng huyết áp tâm trương. Sau 50 tuổi huyết áp tâm thu tiếp tục tăng trong khi huyết áp tâm trương có khuynh hướng giảm, do đó tăng huyết áp tâm thu đơn độc chiếm ưu thế. Hình 1 biểu diễn thay đổi theo tuổi của huyết áp tâm thu và tâm trương được ghi nhận trong điều tra NHANES lần 3.

huyet_ap_tam_thu-h1

Hình 1 : Thay đổi theo tuổi và chủng tộc của huyết áp tâm thu (các đường trên) và tâm trương (các đường dưới) của nam giới (Men) và nữ giới (Women) trong điều tra NHANES. Non-Hispanic black = da đen không phải gốc Mỹ La tinh ; Non-Hispanic white = da trắng không phải gốc Mỹ La tinh ; Hispanic = gốc Mỹ La tinh.

Nguy cơ bị các biến cố tim mạch nặng tăng một cách liên tục theo mức tăng của huyết áp tâm thu và tâm trương. Trong khoảng huyết áp từ 115/75 đến 185/115 mm Hg, ứng với một mức tăng 20/10 mm Hg nguy cơ bị các biến cố tim mạch nặng tăng gần gấp 2 lần 3. Nhiều nghiên cứu dịch tễ ở Hoa Kỳ cũng như ở những quốc gia khác cho thấy huyết áp tâm thu có ý nghĩa dự báo các biến cố tim mạch nặng mạnh hơn huyết áp tâm trương đối với người lớn tuổi 4-7.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc có thể gặp trong những tình trạng bệnh lý có tăng cung lượng tim, ví dụ thiếu máu, cường giáp, hở van động mạch chủ, dò động tĩnh mạch hoặc bệnh Paget của xương. Tuy nhiên đa số các trường hợp tăng huyết áp tâm thu đơn độc là do giảm độ đàn hồi của động mạch chủ và các động mạch lớn liên quan với tuổi cao, sự tích tụ canxi và collagen trong thành động mạch do xơ vữa động mạch và sự thoái hóa elastin thành động mạch 8. Khi độ đàn hồi của các động mạch lớn giảm, sự căng dãn của các động mạch này trong thì tâm thu giảm (khiến huyết áp tâm thu tăng) và sự thu nhỏ lại của chúng trong thì tâm trương (diastolic recoil) cũng giảm (khiến huyết áp tâm trương có khuynh hướng giảm). Ở chiều ngược lại, tăng huyết áp tâm thu về lâu dài lại gây giảm tiến triển độ đàn hồi của các động mạch lớn và tăng nặng rối loạn dãn mạch phụ thuộc nội mô 8.

Theo kết quả điều tra NHANES, chỉ có 23,6% bệnh nhân tăng huyết áp ở Hoa Kỳ được kiểm soát huyết áp dưới mức 140/90 mm Hg 9. Trong số 76,4% còn lại (gồm những bệnh nhân không được điều trị và những bệnh nhân được điều trị nhưng chưa đạt đích huyết áp) có 64,9% bị tăng huyết áp tâm thu đơn độc, 21,1% tăng huyết áp tâm thu-tâm trương và 14,0% tăng huyết áp tâm trương 9.

ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP TÂM THU ĐƠN ĐỘC: CÓ LỢI HAY KHÔNG VÀ DÙNG THUỐC NÀO?

Cho đến nay có 3 thử nghiệm lâm sàng lớn chứng minh lợi ích của việc điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc là SHEP (Systolic Hypertension in the Elderly Program), Syst-Eur (Systolic Hypertension in Europe) và Syst-China (Systolic Hypertension in China) (bảng 1). Trong 3 thử nghiệm lâm sàng này tiêu chuẩn chọn bệnh là huyết áp tâm thu > 160 mm Hg và huyết áp tâm trương < 95 mm Hg (< 90 mm Hg trong SHEP). Thuốc chính được dùng trong SHEP là lợi tiểu chlorthalidone, còn thuốc chính được dùng trong Syst-Eur và Syst-China là chẹn canxi nitrendipine. Kết quả SHEP và Syst-Eur cho thấy điều trị bằng thuốc giảm có ý nghĩa nguy cơ đột quị (tiêu chí đánh giá chính) và nguy cơ bị các biến cố tim mạch nặng nói chung 10,11. Riêng trong Syst-China, điều trị bằng nitrendipine giảm nguy cơ đột quị không có ý nghĩa thống kê nhưng giảm có ý nghĩa nguy cơ tim mạch chung 12 (bảng 1).

3 nghiên cứu nói trên đã chứng minh lợi ích của điều trị hạ huyết áp cho những người có huyết áp tâm thu > 160 mm Hg kèm huyết áp tâm trương < 95 mm Hg (Tuy nhiên cho đến nay chưa có thử nghiệm lâm sàng đánh giá lợi ích của việc điều trị hạ huyết áp cho những người có huyết áp tâm thu trong khoảng 140-160 mm Hg kèm huyết áp tâm trương < 90 mm Hg). Cũng từ kết quả của 3 nghiên cứu nói trên, lợi tiểu thiazide và chẹn canxi dihydropyridine được xem như những lựa chọn hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc ở người lớn tuổi.

Bảng 1 : Các thử nghiệm lâm sàng đánh giá lợi ích của điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc.

 

SHEP

Syst-Eur

Syst-China

Số bệnh nhân

4736

4695

2394

Tiêu chuẩn HA (mm Hg)

Tâm thu

Tâm trương

 

160-190

< 90

 

160-219

< 95

 

160-219

< 95

Tuổi trung bình

72 ± 7

70 ± 7

66 ± 5

Nữ giới (%)

2700 (57)

3138 (67)

853 (35)

Tiêu chí đánh giá chính

Đột quị

Đột quị

Đột quị

HA ban đầu (mm Hg)

Tâm thu

Tâm trương

 

170 ± 9

77 ± 10

 

174 ± 10

85 ± 6

 

170 ± 11

86 ± 7

Mức giảm HA (mm Hg)

Tâm thu

Tâm trương

 

27

9

 

23 ± 16

7 ± 8

 

20 ± 16

5 ± 8

Thuốc chính

Chlorthalidone

Nitrendipine

Nitrendipine

Thuốc bổ sung

Atenolol, reserpine

Enalapril, hydrochlorothiazide

Captopril, hydrochlorothiazide

Giảm nguy cơ đột quị (KTC 95%)

36% (18 - 51%)

42% (16 - 59%)

31% (-2 - 52%)

Giảm nguy cơ tim mạch chung (KTC 95%)

32% (21 - 42%)

29% (13 - 43%)

28% (4 - 47%)

Gần đây một nhóm nhà nghiên cứu ở Ý đã thực hiện nghiên cứu SHELL (Systolic Hypertension in the Elderly: Lacidipine Long-term)nhằm so sánh hiệu quả của lợi tiểu thiazide với chẹn canxi dihydropyridine trong điều trị tăng huyết áp tâm thu. SHELL là một thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên, trong đó 1882 người > 60 tuổi có huyết áp tâm thu > 160 mm Hg và huyết áp tâm trương < 95 mm Hg được phân cho dùng chlorthalidone 12,5 mg/ngày hoặc lacidipine 4 mg/ngày trong thời gian trung vị 32 tháng 13. Kết quả SHELL cho thấy 2 thuốc có hiệu quả hạ huyết áp và ngăn ngừa các biến cố tim mạch nặng tương đương nhau.

Năm 1998 Messerli và cộng sự công bố một phân tích gộp số liệu của 10 thử nghiệm lâm sàng với tổng số bệnh nhân tham gia là 16.164, đều là những người bệnh tăng huyết áp > 60 tuổi. Theo kết quả phân tích gộp này, lợi tiểu thiazide có hiệu quả giảm các biến cố tim mạch nặng và tử vong chung rất rõ rệt, trong khi thuốc chẹn bêta không có ảnh hưởng trên các biến cố này 14. Năm 2005 các tác giả Lindholm, Carlberg và Samuelsson lại thực hiện một phân tích gộp số liệu của 13 thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên (tổng số bệnh nhân tăng huyết áp tham gia : 105.951) nhằm so sánh hiệu quả ngừa các biến cố tim mạch nặng của thuốc chẹn bêta với các nhóm thuốc hạ huyết áp khác. Phân tích gộp này cho thấy thuốc chẹn bêta có hiệu quả ngừa đột quị thấp hơn có ý nghĩa so với các nhóm thuốc hạ huyết áp khác 15. Nói chung hiện nay đa số tác giả cho rằng không nên dùng thuốc chẹn bêta như thuốc hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc, trừ trong những trường hợp mà lợi ích của thuốc chẹn bêta đã được chứng minh chắc chắn, ví dụ tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc suy tim 8,16.

VẤN ĐỀ HẠ HUYẾT ÁP TÂM TRƯƠNG TRONG KHI ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP TÂM THU ĐƠN ĐỘC

Người bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc có huyết áp tâm trương khởi điểm không cao (hoặc thậm chí thấp). Nếu dùng thuốc để hạ huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương đương nhiên cũng giảm theo. Nhiều nhà nghiên cứu e ngại hạ huyết áp tâm trương quá mức có thể ảnh hưởng bất lợi đến tưới máu các cơ quan, đặc biệt là tưới máu mạch vành (diễn ra chủ yếu trong thì tâm trương).

Các tác giả SHEP đã phân tích hồi cứu số liệu của nghiên cứu này và nhận thấy ở nhóm bệnh nhân được điều trị bằng chlorthalidone, ứng với một mức hạ huyết áp tâm trương 5 mm Hg nguy cơ đột quị tăng 14%, nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc chết do nguyên nhân mạch vành tăng 8% và nguy cơ bị các biến cố tim mạch nặng nói chung tăng 11% (tất cả các mức tăng đều có ý nghĩa thống kê) 17. Đặc biệt, nguy cơ bị các biến cố tim mạch nặng tăng rõ rệt kể từ mức huyết áp tâm trương < 60 mm Hg (hình 2).

huyet_ap_tam_thu-h2

Hình 2 : Nguy cơ tương đối (kèm khoảng tin cậy 95%) bị các biến cố tim mạch nặng theo mức huyết áp tâm trương đạt được trong nghiên cứu SHEP.

Mới đây các tác giả Syst-Eur cũng phân tích hồi cứu số liệu của nghiên cứu này để tìm mối liên quan giữa huyết áp tâm trương đạt được trong quá trình điều trị và nguy cơ tim mạch. Kết quả phân tích này hơi khác với kết quả SHEP: Ở những người không có bệnh mạch vành, nguy cơ tim mạch không tăng ngay cả khi hạ huyết áp tâm trương xuống 55 mm Hg; Tuy nhiên ở những người có bệnh mạch vành kèm theo, hạ huyết áp tâm trương xuống < 70 mm Hg làm tăng có ý nghĩa nguy cơ bị biến cố tim mạch nặng 18.

Theo khuyến cáo của Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ, khi điều trị người lớn tuổi tăng huyết áp tâm thu đơn độc, nhất là nếu có bệnh mạch vành kèm theo, không nên hạ huyết áp xuống quá nhanh và cần theo dõi sát bệnh nhân để phát hiện thiếu máu cục bộ tim một khi huyết áp tâm trương giảm xuống thấp hơn 60 mm Hg 19.

TÁC DỤNG ĐẶC HIỆU TRÊN HUYẾT ÁP TÂM THU CỦA LỢI TIỂU GIỐNG THIAZIDE

Các thuốc hạ huyết áp khác nhau có thể có ảnh hưởng khác nhau trên các thành phần huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và huyết áp mạch (là hiệu số huyết áp tâm thu - huyết áp tâm trương). Đối với người bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc, thuốc lý tưởng là thuốc ít ảnh hưởng trên huyết áp tâm trương và tác dụng chủ yếu trên huyết áp tâm thu cũng như huyết áp mạch (Nhiều nghiên cứu cho thấy huyết áp mạch có ý nghĩa dự báo rất tốt các biến cố tim mạch nặng 20,21).

Nghiên cứu X-CELLENT (NatriliX SR versus CandEsartan and amLodipine in the reduction of systoLic blood prEssure in hyperteNsive patienTs) được thực hiện nhằm so sánh ảnh hưởng trên các thành phần huyết áp khác nhau của thuốc lợi tiểu giống thiazide indapamide SR (sustained release: phóng thích chậm), thuốc chẹn thụ thể angiotensin candesartan và thuốc chẹn canxi nhóm dihydropyridine amlodipine 22. Bệnh nhân được tuyển vào nghiên cứu là những người tăng huyết áp vô căn, tuổi 40-80, có huyết áp tâm thu 150-180 mm Hg và tâm trương 95-110 mm Hg hoặc huyết áp tâm thu 160-180 mm Hg và tâm trương < 90 mm Hg (tăng huyết áp tâm thu đơn độc). Tiêu chuẩn loại trừ gồm tiền sử bệnh mạch vành, suy tim, đột quị hoặc cơn thoáng thiếu máu não, phì đại thất trái, đái tháo đường và suy thận. Bệnh nhân được phân ngẫu nhiên cho dùng indapamide SR 1,5 mg/ngày, candesartan 8 mg/ngày, amlodipine 5 mg/ngày hoặc placebo, thời gian điều trị là 12 tuần. Tiêu chí đánh giá là thay đổi của huyết áp tâm thu, tâm trương và huyết áp mạch sau 12 tuần điều trị. Có 576 bệnh nhân được theo dõi huyết áp 24 giờ trước khi bắt đầu điều trị và sau 12 tuần điều trị.

Tổng cộng 1758 bệnh nhân được tuyển vào nghiên cứu, trong đó có 388 bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc. So với toàn bộ dân số nghiên cứu, nhóm bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc có tuổi trung bình cao hơn (63,9 ± 9,6 so với 58,9 ± 10,1) và tỉ lệ nữ cao hơn (57,7% so với 49,3%).

Kết quả X-CELLENT cho thấy cả 3 thuốc indapamide SR, candesartan và amlodipine đều giảm có ý nghĩa các thành phần huyết áp so với placebo. Indapamide SR giảm huyết áp tâm thu và huyết áp mạch nhiều hơn và giảm huyết áp tâm trương ít hơn so với candesartan và amlodipine, tuy là không đạt mức có ý nghĩa thống kê (bảng 2). Riêng ở 388 người bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc, indapamide SR giảm huyết áp tâm thu tương đương candesartan và amlodipine nhưng không ảnh hưởng đến huyết áp tâm trương như 2 thuốc này, kết quả là indapamide SR giảm huyết áp mạch nhiều hơn so với candesartan và amlodipine (bảng 3). Khảo sát huyết áp 24 giờ cũng cho kết quả tương tự : So với candesartan và amlodipine, indapamide SR giảm huyết áp tâm thu tương đương, giảm huyết áp tâm trương ít hơn và giảm huyết áp mạch nhiều hơn, nhất là ở những bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc.

Tần suất các tác dụng phụ khiến phải ngưng thuốc ở 4 nhóm tương đương nhau. Trong số 440 người được phân cho dùng indapamide SR chỉ có 16 người có hạ K/máu < 3,4 mmol/l nhưng không có người nào bị hạ K/máu nặng < 3,0 mmol/l. Các chỉ số xét nghiệm gồm đường huyết lúc đói, LDL, HDL, TG, transaminase và creatinin/máu của 3 nhóm dùng thuốc không khác biệt có ý nghĩa.

Kết quả X-CELLENT cho thấy đối với bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc indapamide SR là thuốc hạ huyết áp thích hợp nhất vì giảm huyết áp tâm thu mà không ảnh hưởng nhiều đến huyết áp tâm trương. Dạng bào chế hàm lượng thấp (1,5 mg) và phóng thích chậm của indapamide vừa ít gây tác dụng phụ về mặt chuyển hóa vừa có hiệu quả hạ huyết áp kéo dài suốt 24 giờ như khảo sát bằng Holter huyết áp đã chứng minh trong nghiên cứu này.

Bảng 2 : Thay đổi huyết áp (đo tại phòng khám) của 1758 bệnh nhân sau 12 tuần điều trị.

 

Indapamide SR

(n = 440)

Candesartan

(n = 435)

Amlodipine

(n = 444)

Placebo

(n = 439)

Thay đổi HA tâm thu (mm Hg)

-16,7 ± 16,1 *

-15,9 ± 16,7 *

-16,2 ± 16,0 *

-7,3 ± 16,8

Thay đổi HA tâm trương (mm Hg)

-7,4 ± 10,4 *

-8,3 ± 9,5 *

-8,9 ± 10,3 *

-3,5 ± 10,6

Thay đổi HA mạch (mm Hg)

-9,3 ± 13,9 *

-7,6 ± 13,5 *

-7,3 ± 13,4 *

-3,8 ± 14,0

* p < 0,0001 khi so sánh với placebo.

Bảng 3 : Thay đổi huyết áp (đo tại phòng khám) của 388 bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc sau 12 tuần điều trị.

 

Indapamide SR

(n = 96)

Candesartan

(n = 94)

Amlodipine

(n = 100)

Placebo

(n = 98)

Thay đổi HA tâm thu (mm Hg)

-16,9 ± 16,7 *

-16,3 ± 18,4 *

-16,2 ± 18,5 *

-9,1 ± 15,7

Thay đổi HA tâm trương (mm Hg)

0,5 ± 7,6

-2,6 ± 9,1 * †

-3,0 ± 9,2 * †

1,7 ± 8,3

Thay đổi HA mạch (mm Hg)

-17,4 ± 15,2 *

-13,7 ± 14,9

-13,3 ± 15,0

-10,9 ± 15,0

* p < 0,05 khi so sánh với placebo.

† p < 0,05 khi so sánh với indapamide SR.

PHỐI HỢP THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP TÂM THU

Ở bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu, nếu đơn trị bằng lợi tiểu thiazide hoặc giống thiazide chưa kiểm soát được huyết áp thì chúng ta nên phối hợp thêm thuốc nào? Từ các chứng cứ đã nêu, có thể kết luận thuốc chẹn bêta không phải là lựa chọn hàng đầu (trừ trường hợp bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc suy tim). Phối hợp thuốc chẹn canxi với lợi tiểu có thể dùng được tuy nhiên phối hợp này không có tác dụng hiệp đồng trên huyết áp.

Phối hợp một thuốc ức chế men chuyển với lợi tiểu có tác dụng hiệp đồng trên huyết áp và có hiệu quả được chứng minh bởi nhiều thử nghiệm lâm sàng. Có thể kể đến phối hợp indapamide + perindopril mà lợi ích đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng có sự tham gia của nhiều bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu lớn tuổi như PROGRESS (Perindopril pROtection aGainst Recurrent Stroke Study) hay PICXEL (Perindopril/Indapamide in a double blind Controlled study versus Enalapril in Left ventricular hypertrophy) 23,24. Ngoài ra, phối hợp thuốc chẹn thụ thể angiotensin với lợi tiểu thiazide hợp lý về mặt sinh lý bệnh, có tác dụng hiệp đồng trên huyết áp nên cũng được khuyên dùng 8.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1)  Burt VL, Whelton P, Roccella EJ, et al. Prevalence of hypertension in the US adult population: results from the Third National Health and Nutrition Examination Survey, 1988-1991. Hypertension 1995;25:305-313.

2)  Vasan RS, Larson MG, Leip EP, et al. Impact of high-normal blood pressure on the risk of cardiovascular disease. N Engl J Med 2001;345:1291-1297.

3)  Lewington S, Clarke R, Qizilbash N, Peto R, Collins R. Age-specific relevance of usual blood pressure to vascular mortality: a meta-analysis of individual data for one million adults in 61 prospective studies. Lancet 2002;360:1903-1913.

4)  Sagie A, Larson MG, Levy D. The natural history of borderline isolated systolic hypertension. N Engl J Med 1993;329:1912-1917.

5)  ISH. ISH working group report on hypertension in the elderly. Hypertension 1994;23:275-285.

6)  O'Donnell CJ, Ridker PM, Glynn RG, et al. Hypertension and borderline isolated systolic hypertension increases risk of cardiovascular disease and mortality in male physicians. Circulation 1997;95:1132-1137.

7)  Izzo JL, Levy D, Black HR. Importance of systolic blood pressure in older Americans. Hypertension 2000;35:1021-1024.

8)  Chobanian AV. Isolated systolic hypertension in the elderly. N Engl J Med 2007;357:789-796.

9)  Franklin SS, Jacobs MJ, Wong ND, L'Italien GJ, Lapuerta P. Predominance of isolated systolic hypertension among middle-aged and elderly US hypertensives. Analyses based on National Health and Nutrition Examination Survey (NHANES III). Hypertension 2001;37:869-874.

10)  SHEP Cooperative Research Group. Prevention of stroke by antihypertensive drug treatment in older persons with isolated systolic hypertension: final results of the Systolic Hypertension in the Elderly Program (SHEP). JAMA 1991;265:3255-3264.

11)  Staessen JA, Fagard R, Thijs L, et al. Randomised, double-blind comparison of placebo and active treatment for older patients with isolated systolic hypertension: the Systolic Hypertension in Europe (Syst-Eur) Trial Investigators. Lancet 1997;350:757-764.

12)  Liu L, Wang JG, Gong L, Liu G, Staessen JA. Comparison of active treatment and placebo in older Chinese patients with isolated systolic hypertension: Systolic Hypertension in China (Syst-China) Collaborative Group. J Hypertens 1998;16:1823-1829.

13)  Malacco E, Mancia G, Rappelli A, et al. Treatment of isolated systolic hypertension: the SHELL study results. Blood Press 2003;12:160-167.

14)  Messerli FH, Grossman E, Goldbourt U. Are b-blockers efficacious as first-line therapy for hypertension in the elderly? A systematic review. JAMA 1998;279:1903-1907.

15)  Lindholm LH, Carlberg B, Samuelsson O. Should b blockers remain first choice in the treatment of primary hypertension? A meta-analysis. Lancet 2005;366:1545-1553.

16)  Chaudhry SI, Krumholz HM, Foody JAM. Systolic hypertension in older persons. JAMA 2004;292:1074-1080.

17)  Somes GW, Pahor M, Shorr RI, et al. The role of diastolic blood pressure when treating isolated systolic hypertension. Arch Intern Med 1999;159:2004-2009.

18)  Fagard RH, Staessen JA, Thijs L, et al. On-treatment diastolic blood pressure and prognosis in systolic hypertension. Arch Intern Med 2007;167:1884-1891.

19)  Rosendorff C, Black HR, Cannon CP, et al. Treatment of hypertension in the prevention and management of ischemic heart disease: A scientific statement from the American Heart Association Council for high blood pressure research and the Councils on clinical cardiology and epidemiology and prevention. Circulation 2007;115:2761-2788.

20)  Franklin SS, Khan SA, Wong ND, Larson MG, Levy D. Is pulse pressure useful in predicting risk for coronary heart disease? The Framingham Heart Study. Circulation 1999;100:354-360.

21)  Blacher J, Staessen JA, Girerd X, et al. Pulse pressure not mean pressure determines cardiovascular risk in older hypertensive patients. Arch Intern Med 2000;160:1085-1089.

22)  London G, Schmieder R, Calvo C, Asmar R. Indapamide SR versus candesartan and amlodipine in hypertension: the X-CELLENT study. Am J Hypertens 2006;19:113-121.

23)  PROGRESS Collaborative Group. Randomised trial of perindopril-based blood-pressure-lowering regimen among 6105 individuals with a previous stroke or transient ischaemic attack. Lancet 2001;358:1033-1041.

Dahlof B, Gosse P, Gueret P, et al, on behalf of the PICXEL Investigators. Perindopril/indapamide combination more effective than enalapril in reducing blood pressure and left ventricular mass: the PICXEL study. J Hypertens 2005;23:2063-2070.

Tim khỏe mạnh với 4 bài tập đơn giản sau
Các bài tập giúp tim khỏe mạnh

Các bài tập dành cho tim thường là bài tập aerobic hoặc bài tập sức bền. Những bài tập này sử dụng nhiều nhóm cơ và khiến cơ thể sử dụng nhiều oxy hơn khi bạn nghỉ ngơi, do đó giúp tăng tốc độ hô hấp và nhịp tim, rất tốt cho tim và phổi.

Các bài tập tim mạch cũng giúp thư giãn mạch máu, giảm huyết áp, giảm lượng đường trong máu, nâng cao tinh thần, giảm viêm và làm tăng nồng cholesterol HDL (cholesterol tốt) trong máu. Ngoài ra, kiên trì thực hiện các bài tập tim mạch sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị suy tim, đột quỵ và các vấn đề về tim khác.

Nếu bạn đang hồi phục sau cơn đau tim, thực hiện các bài tập này sẽ giúp ngăn ngừa cơn đau tái phát. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập thể dục.

Cụ thể, bạn có thể áp dụng các bài tập như bơi lội, đi bộ nhanh, khiêu vũ, chạy bộ, đạp xe, leo cầu thang bộ ở nơi làm việc,… để giúp tim khỏe mạnh hơn. Bạn nên cố gắng tập các bài tập này ít nhất 150 phút mỗi tuần.

Bài tập tăng thể lực

Các bài tập tăng thể lực làm rắn chắc cơ bắp và giúp cơ thể tăng cường sức chịu đựng, bao gồm sức chịu đựng của quả tim. Các bài tập này cũng giúp giảm lượng đường trong máu, tăng mật độ xương, cải thiện tư thế và kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân suy tim không nên thực hiện các bài tập này.

Các bài tập thể lực điển hình là chống đẩy, bài tập lunges. Bạn có thể nhờ một nhà trị liệu vật lý hoặc một huấn luyện viên cá nhân thiết kế một chương trình luyện tập mà bạn dễ thực hiện ở nhà hoặc tại phòng tập. Bạn nên luyện tập 2–3 lần mỗi tuần để có kết quả tốt nhất.

Bài tập kéo giãn

Các bài tập kéo giãn giúp kéo dài, giãn cơ, cải thiện tính linh hoạt và tăng biên độ vận động. Điều này rất tốt cho các hoạt động hằng ngày của bạn, chẳng hạn như khi bạn cúi người hoặc buộc dây giày.

Bạn nên nhớ hãy khởi động trước khi tập thể dục để ngăn ngừa tình trạng căng cơ, chẳng hạn như đi bộ hoặc xoay các khớp ở tay.

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các bài tập này để kéo giãn gân kheo, cơ tứ đầu đùi hoặc các cơ ở lưng, cổ, vai. Bài tập kéo giãn nên được thực hiện mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu không có thời gian, bạn nên thực hiện ít nhất 3 lần mỗi tuần.

Tim khỏe mạnh với các bài tập cân bằng

Các bài tập cân bằng không chỉ giúp duy trì khả năng giữ thăng bằng của cơ thể, tránh té ngã mà còn giúp bạn duy trì một trái tim khỏe mạnh. Sự cân bằng giúp bạn thực hiện một số hoạt động như đi bộ, leo cầu thang, chạy.
Các bài tập cân bằng điển hình là Thái Cực quyền và yoga. Bạn có thể tập luyện bài tập này tại phòng tập thể dục, phòng khám hay ở nhà. Tuy nhiên, bạn nên tìm đến một chuyên gia vật lý trị liệu để xác định tính cân bằng trong cơ thể và có được một chương trình tập luyện tốt nhất.

Bạn không cần phải tập cân bằng hằng ngày. Tuy nhiên, nếu thường mất thăng bằng trong các hoạt động, bạn nên tập luyện các bài tập này ít nhất 3 lần mỗi tuần. Ngoài ra, đối với tim mạch, các bài tập cân bằng còn giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện một cơn đau tim.

Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe tim mạch, việc điều trị thường phức tạp. Tuy nhiên, các bài tập đơn giản như trên sẽ giúp bạn bảo vệ tim một cách hiệu quả. Do đó, để tim khỏe mạnh, bạn nên tập luyện các bài tập này thường xuyên nhé.

Tác giả bài viết: PAH sưu tầm

Nguồn tin: timmachhoc.vn

 Tags: huyet ap, y hoc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc


Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Quỹ học bổng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây