Diện tích tự nhiên: 21.428 ha, trong đó có 12.000 ha DT nông nghiệp
Dân số:200.782 người.
Đơn vị hành chính: 20 xã, thị trấn
Huyện lỵ: Thị trấn Vĩnh Điện
Khí hậu nhiệt đới gió mùa
Nhiệt độ trung bình 25,50C
Độ ẩm trung bình: 82,3%
Lượng mưa bình quân năm 2000-2500mm, tập trung các tháng 9,10,11.
Địa bàn huyện Điện Bàn trải từ 15050 đến 15057 vĩ độ Bắc và từ 1080 đến 108020’ kinh độ Đông, cách tỉnh lỵ Tam Kỳ 48km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 25km về phía Nam. Phía Bắc giáp huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), phía Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Đông Nam giáp thị xã Hội An, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Đại Lộc.
Vùng đất Điện Bàn xưa thuộc đất Việt Thường Thị của vua Hùng. Từ năm 214 đến năm 205 TCN, thời nhà Tần, thuộc Tượng Quận. Từ năm 206 TCN đến năm 192 SCN, thời nhà Hán, thuộc quận Tượng Lâm và từ năm 192 đến năm 1306 thuộc vương quốc Chăm Pa.
Sau cuộc hôn nhân huyền thoại của công chúa Trần Huyền Trân vào năm 1306, vua Chăm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý cho nhà Trần để làm sính lễ. Năm 1307, hai châu Ô và Lý được đổi thành Thuận Châu, Hóa Châu. Vùng đất Điện Bàn thuộc phần đất phía Nam của Hóa Châu. Năm 1435, địa danh Điện Bàn được Nguyễn Trãi ghi vào “Dư địa chí” gồm 95 xã thuộc phủ Triệu Phong của lộ Thuận Hóa. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1520, vua Lê Chiêu Tông đổi thành trấn Quảng Nam. Điện Bàn bấy giờ là một huyện thuộc phủ Triệu Phong của trấn Thuận Hóa. Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi thành dinh Quảng Nam và năm 1604 tách huyện Điện Bàn ra khỏi trấn Thuận Hóa, thăng lên thành phủ và nhập về Quảng Nam. Dinh trấn Quảng Nam đóng tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, do các công tử của Chúa Nguyễn lần lượt đến trấn thủ. Năm 1803, vua Gia Long lập Dinh Quảng Nam gồm 2 phủ: Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn gồm 2 huyện: Diên Phước và Hòa Vang. Năm 1806, dinh Quảng Nam đổi thành trực lệ Quảng Nam dinh thuộc Kinh Sư. Năm 1827, vua Minh Mạng cho đổi thành trấn Quảng Nam. Năm 1832, đổi trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam. Năm 1833, tỉnh đường Quảng Nam được xây dựng tại làng La Qua. Năm 1899, Điện Bàn có thêm huyện Đại Lộc. Sang đầu thế kỷ XX, khi huyện, phủ thành những đơn vị hành chính riêng thì huyện Điện Bàn hôm nay chính là phần đất của huyện Diên Phước trước đây.
Điện Bàn đã được biết đến là vùng đất trù phú với nhiều sản vật dồi dào, là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Nam, đồng thời rất nổi tiếng với các ngành nghề: trồng dâu nuôi tắm, ươm tơ dệt lụa, làm đường bát, trồng đay dệt chiếu, làm đồ gốm, đúc đồng Phước Kiều...
Điện Bàn được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”, “đất học”, “đất khoa bảng” với vinh danh “Ngũ phụng tề phi” “Tứ hổ đăng khoa” gắn liền với tên tuổi các nhà khoa bảng, danh nhân, chí sĩ nổi tiếng như: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Thành Ý, Phạm Như Xương, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Phan Thúc Duyện, Lê Đình Thám, Phan Thanh, Phan Bôi...
Nói đến Điện Bàn cũng là nói đến vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu của cả nước như: Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Nguyễn Phan Vinh, Võ Như Hưng, bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (Điện Thắng) có 9 con liệt sĩ, mẹ VNAH Nguyễn Thị Lân (Điện Hòa) có chồng và 7 con là liệt sĩ... Huyện Điện Bàn và 15/16 xã, thị trấn, 5 đơn vị, 27 cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Qua 32 năm hòa bình và xây dựng, Điện Bàn không ngừng đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - văn hóa-xã hội. Đặc biệt, sự ra đời của khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc đã đưa Điện Bàn tạo cho Điện Bàn một diện mạo mới. Hai HTX nông nghiệp Điện Thọ 1, Điện Phước 1 được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Đặc biệt, năm 2005, Điện Bàn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.
Với truyền thống văn hóa lịch sử, cách mạng tốt đẹp và lâu đời, Điện Bàn tiếp tục phát huy thế mạnh nội lực, mở rộng thu hút ngoại lực, tự tin phấn đấu cơ bản thành huyện công nghiệp vào năm 2010.
Điện Bàn vùng đất di tích
Điện Bàn vùng đất có nhiều di tích. Mỗi di tích gắn liền với những giá trị lịch sử-văn hóa của đất và người Điện Bàn xưa và nay. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, đất khoa bảng nơi có nhiều danh nhân, nhiều nhà chí sĩ yêu nước với tên tuổi muôn đời ghi đậm nét trong lịch sử dân tộc.
Vùng đất Gò Nỗi, đứa con Phù Sa của dòng sông Thu Bồn, nơi sản sinh ra Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu, và lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước này đã tọa lạc trên vùng đất Điện Quang được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong khoa thi Đình năm 1898 có 5 vị quê ở Quảng Nam được Thành Thái tặng danh hiệu “Ngũ Phụng Tề Phi” thì đã có 4 vị quê ở Điện Bàn là Tiến sĩ Phạm Liệu, Tiến sĩ Phạm Tuấn, Phó bảng Ngô Truân, Phó bảng Dương Hiển Tiến và hiện nay những lăng mộ của các vị là di tích, là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho nhân dân trong huyện. Làng quê Thanh Quýt thời Tây Sơn có Thượng thư Bộ hình Trương Công Hy, thời đánh Mỹ có anh Nguyễn Văn Trỗi với “Chín phút làm nên lịch sử”, có mẹ Nguyễn Thị Thứ, bà mẹ quê nghèo ở xóm Rừng - Điện Thắng chín lần tiễn chín đứa con ra trận, nhưng không có một đứa trở về, trở thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu của dân tộc được Chính phủ lấy nguyên mẫu mẹ để xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, là tấm gương thể hiện khí phách anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang của đất mẹ Quảng Nam. Cũng trên mảnh đất Điện Bàn có Bảy dũng sĩ Điện Ngọc với trận đánh đi vào lịch sử, ghi dấu đậm nét về bản lĩnh chiến đấu chống kẻ thù ngay từ ngày quê hương Quảng Nam mở màng Đồng Khởi chống bọn Mỹ Diệm.
Mỗi tên đất, tên làng, mỗi nhà thờ ở Điện Bàn thời khói lửa là những địa chỉ cách mạng, là nơi che giấu, nuôi dưỡng các đoàn quân giải phóng. Đình làng Diệm Sơn (Điện Tiến) nơi có căn hầm bí mật nằm ngay dưới đình đã che chở cho các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà và qua 35 năm kể từ ngày cánh cửa chiến tranh khép lại, miệng hầm, nắp hầm vẫn còn nguyên vẹn. Đình làng Thanh Quýt nơi phát động bà con trong vùng với dáo, mác, gậy gọc tầm vông xuống đường bao vây phủ lỵ Điện Bàn trong cách mạng mùa Thu tháng tám năm 1945, nơi mà ngày 28/3/1975 đồng chí Võ Chí Công dừng chân và chọn nơi đây làm điểm chỉ huy các cánh quân giải phóng tiến về giải phóng Thành phố Cảng Sông Hàn. Vùng đất Điện Bàn còn có Tháp Bằng An gần 1000 năm tuổi vẫn sừng sững đứng giữa lòng đất Điện An, có các nhà cổ, có dinh trấn Quảng Nam xưa, Thành tỉnh La Qua nơi ghi dấu bao sự kiện văn hóa - lịch sử của đất và người Điện Bàn - Quảng Nam.
Là vùng đất di tích, nhưng bấy lâu nay việc trùng tu, tôn tạo di tích chưa được các cấp đầu tư đúng mức. Không thể để các di tích xuống cấp, mai một theo thời gian và sự tàn phá khốc liệt của thiên tai bão lụt dồn dập hàng năm, nhiều địa phương ở Điện Bàn đã thực hiện khá tốt phương châm xã hội hóa để bảo tồn các di tích. Nỗi bật là vai trò các tộc họ. Đi đầu trong quản lý và thực hiện xã hội hóa trong trùng tu các di tích ở Điện Bàn là xã Điện Quang. Đến nay 7 di tích trên địa bàn xã đều được xã tu sửa, nâng cấp hoàn chỉnh. Lãnh đạo xã đã cử cán bộ vào Thành phố Hồ Chí Minh, ra Đà Nẵng mời các tộc họ, các chủ di tích góp sức cùng với địa phương làm cho các di tích luôn khang trang, sáng đẹp và xem đấy là bộ sử sống, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đến nay cả Điện Bàn có 41 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia (Lăng mộ Hoàng Diệu, Tháp Bằng An, lăng mộ Trần Quý Cáp, Giếng Nhà Nhì-nơi chiến đấu của Bảy dũng sĩ Điện Ngọc) và 37 di tích cấp tỉnh. Lâu nay, nguồn ngân sách của địa phương đầu tư cho bảo quản, trùng tu di tích chưa có, ngành Văn hóa - Thông tin Huyện do điều kiện nguồn kinh phí có hạn nên chỉ hỗ trợ một phần nhỏ cho công tác quản lý. Hiện nay có nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng như Nghĩa Trung Viên (Điện Minh), Lăng mộ Nguyễn Thành Ý (Điện Phước), Nhà cổ Nguyễn Nho Phán (Điện Minh), Tháp Bằng An (Điện An)... Nếu thực trạng này không sớm có giải pháp trùng tu thì e rằng các di tích này sẽ bị sụp đổ. Trong năm năm đến (2010 - 2015) Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện cần có đề án trùng tu tôn tạo các di tích, nhằm khơi động các nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ” để nhanh chóng trùng tu, nâng cấp các di tích đang xuống cấp.
Năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Hội thảo chuyên đề về quản lý di tích nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa ban hành được, cơ chế, chính sách về quản lý các di tích kể cả cấp quốc gia và cấp tỉnh. Ngành giáo dục từ tỉnh đến huyện triển khai chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo về giao cho các trường học góp phần tôn tạo quản lý các di tích trên địa bàn còn rất chậm, có nơi học sinh chưa hiểu biết một cách đầy đủ về nguồn gốc, ý nghĩa của di tích ở địa phương mà các em đã sinh ra và lớn lên.
Đã đến lúc cần phải sớm khắc phục tình trạng bỏ ngõ về quản lý di tích mà từ tỉnh đến cơ sở phải có giải pháp để tăng cường sự quản lý, sự đầu tư đúng mức nhất là có cơ chế về quản lý, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, xây dựng các di tích trở thành các điểm phục vụ tham quan du lịch, nơi giáo dục, hun đúc và bồi đắp lý tưởng, truyền thống cách mạng và yêu nước, truyền thống hiếu học và học giỏi của đất học Quảng Nam, Điện Bàn xưa và nay.
theo http://www.dienban.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn