Về dinh trấn Quảng Nam sách Phủ biên tạp lục chép :" Dinh Quảng Nam ở xã Cần Húc tục gọi Dinh Chiêm đi từ dinh sở qua đò đến con sông nhỏ Kẻ Thế và Bảo Nghĩa " ( 36 tr. 369-370). Lê Quý Đôn thêm rằng: " Đến như Dinh Chiêm ở Quảng Nam ở xã Cần Húc huyện Duy Xuyên sở thuộc có lỵ xá sai cây kẻ 3 người cai hợp 3 người thủ hợp 10 người lại viên 40 người giữ việc từ trung văn án do một viên ký lục đứng đầu lại có ty Tướng Thần Lại số người cũng thế giữ việc cấp lính các xã cấp các vi tử ( người tàn tật ) làm ngụ lộc thu phát tiền sai dư và thóc tô ruộng do một viên cai bạ đứng đầu " ( 31 tr. 145 ). Các sử liệu dù chưa chỉ rõ được mối quan hệ giữa Cần Húc với Thanh Chiêm nhưng đã nêu rõ rằng lỵ sở này được Nguyễn Hoàng giao cho hoàng tử thứ sáu và cũng là thế tử Nguyễn Phước Nguyên từ năm 1602. Từ đó các thế tử của chúa Nguyễn đều được cử về làm trấn thủ Quảng Nam " tập dượt " trước khi lên ngôi chúa. Trong " Hải ngoại ký sự" thiền sư Thích Đại Sán viết :" ... cách phía Tây (Hội An) chừng mười dặm có đặt một nha trấn thủ như vương phủ để phòng ngự lân bang " ( 15 tr. 154)
Như vậy lỵ sở Thanh Chiêm ra đời rất sớm đầu thế kỷ XVII và trở thành một nơi chốn sầm uất trên bến dưới thuyền đóng vai trò quan trọng suốt thời chúa Nguyễn Đàng Trong. Nơi đây cũng từng xảy ra nhiều trận giao tranh khốc liệt giữa các thế lực thời ấy: Nguyễn - Chăm Nguyễn - Trịnh Nguyễn- Tây Sơn. Nhiều biến động của các đời chúa Nguyễn mà điển hình là cuộc mưu phản thoán đoạt ngôi chúa của Dương Nghĩa Hầu Nguyễn Phước Anh cũng xảy ra ở đây khi ông làm trấn thủ Quảng Nam.
Qua bao thế kỷ với nhiều biến động của thời cuộc dinh trấn Thanh Chiêm chỉ còn lại vết tích và trong ký ức dân gian. Theo Nguyễn Phước Tương trong " Vai trò dinh trấn Thanh Chiêm trong việc phát triển xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn "tất cả chỉ còn là dấu vết và trong lời kể dân gian: "Thành Vệ:...đã sụp đổ và bị san lấp thành ruộng vườn đất thổ cư ...những mô đất cao mương ao là những dấu tích xưa. Hành cungchỉ còn lại một khu đất rộng và cao...Vọng khuyết ...là một lầu vọng có đặt trống chiêng...nay cũng bình địa thành đất ở. Văn miếu...không còn dấu vết. Tịch Điền...chưa xác định được cụ thể. Mô Súng: nay trở thành khu ruộng có nền cao. Tàu Tượng : ...nay trở thành một bãi đất rộng mọc lên những nhà dân. Kho Muối...đã xây dựng nhà thờ tiền hiền Thanh Chiêm và trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Du ( trên nền đất của Mô Súng ). Nhà Lao nhà thờ Thiên Chúa giáo... cũng không còn dấu tích. Chùa Hội Phước... hiện nay vẫn còn tồn tại một ít dấu tích.
Với tất cả những gì có được từ sử liệu dến di tích thật khó mà hình dung ra nổi một dinh trấn một thời nổi tiếng ( chỉ sau chính dinh ở Huế). Tôi cũng đôi ba lần lội quanh vùng đất được các nhà khoa học chỉ ra rằng thuộc Chiêm dinh xưa nhưng chỉ còn nhận ra mỗi một ngôi chùa những cuộc đất cao không bình thường các hào sâu kéo dài đầy chủ ý các bờ tre ken dày một nhà thờ Thiên Chúa giáo ( té ra mới được xây dựng sau này) một thế đất có thể xây dựng thành dinh lũy các bàu sen. Là hết. Hỏi thăm một vài bô lão về những ý kiến của ông già Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân ai cũng lắc đầu không biết. Thế nhưng sau này tôi tìm được một địa chỉ khác có thể gíup chúng ta phần nào hình dung ra dinh trấn Quảng Nam một thời vang bóng. Đó là ...tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống của Nguyễn Văn Xuân! Với tư liệu có trong tay và nhất là được sinh ra từ chính làng Thanh Chiêm cộng với trí tưởng tượng phong phú Nguyễn Văn Xuân phần nào giúp chúng ta tìm lại những nét xưa từng bị vùi trong lớp lớp bụi thời gian. Nguyễn Văn Xuân hình dung Thanh Chiêm như sau: "...Chiêm dinh ( tại làng Thanh Chiêm). Gọi là thành nhưng không có thành mà chỉ có bờ tre gốc trồng khít rịt nhau bốn mặt có chừa cổng rộng cho xe ngựa quan lính vào ra. Cả ba mặt đều có hồ rộng ngăn cách thành với đồng ruộng nhà dân. Riêng mặt Tây có Sài giang là sông Chợ Củi sâu rộng mặt nước xanh trong phẳng lờ trên đó đậu hàng trăm thuyền quân lớn nhỏ cờ hiệu khác nhau rực rỡ suốt mấy dặm. Quanh thành giữa bờ tre bố trí đại pháo. Mặt Đông Bắc có những mô súng với đại bác lớn để chống quân đổ bộ từ Cửa Hàn ( Đà Nẵng ) tiến qua Non Nước qua làng Cẩm Sa vào Chiêm dinh. Bề dài mặt Tây- Đông ước tám trăm bước mỗi phía. Các mặt kia chỉ rộng khoảng hai phần ba. Mỗi cửa có cổng ra vào bằng gỗ kiên cố riêng cửa tiền nhìn về Hội An chỉ mở vào những dịp chúa ở chính dinh ngự vào tại hành cung. Các cửa kia có lính gác....Về cuối thành mạn Tây Bắc có cái chợ lớn cùng tên với con sông. ..Chợ Củi (Sài thị ) còn là nơi bán rất nhiều củi cho ghe thuyền qua lại trên sông và cả thương thuyền lớn của ngoại quốc đình trú tại vùng Trà Nhiêu hay Hội An...Ghe thuyền mua bán tấp nập ở bến củi. Khách lạ dễ dàng tìm thấy tại đây các món hàng lạ quý trong nước hàng lạ nước ngoài ...thỉnh thoảng cũng thấy mấy người ngoại quốc đi lại nói xí lô xí là " (tr.29 30 ). Ta còn thấy ở đó những sinh hoạt khác của quan lại và cư dân . Đây là một ăn ở nhà quan: " Bữa ăn theo kiểu nhà quan là có cả trăm cái dĩa thanh thanh nhỏ đặt hàng dọc rồi có chồng những cái dĩa khác vì thiếu chỗ để ở các góc cạnh của các hàng dĩa kia " ( có thể nhận ra ở một số giỗ chạp ở ta vào những năm 50-60 thế kỷ trước-LT ). Đây là một người Nhật vệ sĩ của quan trấn thủ :" Người ấy lùn vai to bè bè bước đi chắc nịch mà nhẹ nhàng như bước đi của loài voi " ( tr.37 ). Hoặc nhà quan trấn thủ: "Nhà quan trấn thủ ở cũng là nhà các tiền nhân nên có cương vị một cái miếu. Nhà gồm năm gian hai chái tường làm bằng đá lấy ở núi Non Nước. Mái lợp tranh săng dày chống mưa bão rất tốt( giống hệt nhà rường Quảng Nam - LT). Nền không bằng đất bằng gạch mà bằng toàn ván gỗ cách mặt đất hơn một thước mộc đánh bóng sáng ngời. Kèo cột chạm trổ tinh vi đã lên nước đen bóng. Trong nhà ba gian giữa thờ các bậc tiền bối danh vọng khắp nước hai gian kế thờ những người ít quan trọng. Ở giữa nhà đặt hai bộ ván bằng gõ trước hai bàn thờ phụ dành cho các khách người trong tôn tộc Nguyễn Phước. Hai chái là phòng của vợ chồng quan trấn thủ. Chái dưới dành cho vợ và các con chái trên cho người chồng. Để vợ chồng đi lại với nhau và theo truyền thống đàn bà ít khi bước qua bàn thờ gia tiên - cử kinh nguyệt cho là dơ bẩn- người ta tạo sau dãy bàn thờ một hành lang dài thông suốt " (tr. 45 ). Đám tang của quan trấn thủ : " ... đám tang quan lớn có cả một rừng người. Đoàn voi ngựa dưới quyền điều động của phủ chúa mang bành trắng quân lính quan chức đều bịt khăn tang. ". Cuộc mưu phản của Nguyễn Phước Anh được Nguyễn Văn Xuân mô tả: " Chúa Thượng dùng một sức ép gấp mười lần để tận diệt và hứa hẹn tận diệt tất cả mầm mống phản đối tạo loạn. Giữa lúc các phe lâm chiến đang ra sức giết nhau ở các mặt trận thủy bộ thì cai đội Dương Sơn Nguyễn Phước Tuyên dùng đường tắt kéo kỳ binh đánh vào Chiêm dinh. Chiến tranh cách .... tầm tay gió mang hơi lửa tàn lửa dạo qua. ... Tất cả nhà cửa nội ngoại thành đều bằng tranh nên lửa tới đâu tạo ra tàn hại gây hãi hùng tới đó.... trấn thủ Nguyễn Phước Anh đã đào tẩu. Quyển sổ Đồng Tâm Hướng Thuận ghi tên những người trong đảng trấn thủ bị Nguyễn Phước Tuyên tịch thu rồi tin ấy truyền nhanh hơn tàn lửa chiến tranh. Chỉ nay mai lấy cớ lùng địch lũ quan quân đổ xô nạo vét khắp các làng xã. Bọn lâu la sẽ không chừa một cái gì không nạo vét " (tr.126)... Không ngờ cái ý định của Nguyễn Văn Xuân hơn mười lăm năm trước khi bày tỏ với những người viết văn trẻ chúng tôi rằng ông sẽ viết về Tống thị một người đàn bà có thật trong lịch sử một người đàn bà đẹp và liều lĩnh từng gây sóng gió cho cả nhiều triều Chúa Nguyễn và Trịnh- một sự thai nghén khá dài hơi- lại dành thêm cho chúng ta nhiều trang viết mà nhờ đó chúng ta có thể hình dung ra một Dinh Chiêm khá cụ thể. Những gì không thể trình bày một cách khoa học trong các hội thảo ông Xuân đã kịp để lại cho chúng bằng một phương tiện khác - văn học - và ông đã làm kịp thời . Nguyễn Văn Xuân đã làm việc gấp đôi tất cả chỉ vì vùng đất mà ông yêu mến - Thanh Chiêm.
Dinh trấn Quảng Nam được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chính thức thành lập vào năm 1602 ở xã Cần Húc (Điện Bàn), ít lâu sau lại dời sang Thanh Chiêm (Điện Bàn), cuối cùng năm 1833, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở Quảng Nam sang làng La Qua (Điện Bàn).
Theo các sử gia nhà Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí (bản in thời Tự Đức) thì Cần Húc nay là xã Văn Đông, huyện Diên Phước, tiếp giáp xã Thanh Chiêm.
Văn Đông (Cần Húc) là một xã cực Nam của phủ Điện Bàn, nằm ở tả ngạn sông Sài Thị (sông Chợ Củi), nép mình bên phải hương lộ liên xã chạy từ ngã ba chợ Tổng (Thanh Chiêm) về Phú Thiêm, Thanh Hà đi Hội An. Cần Húc là một xã vạn chài, có bến cá tấp nập ghe thuyền, đàn ông sống bằng nghề trồng trọt và chài lưới, đàn bà buôn cá về mùa nắng, chằm tơi lá về mùa mưa. Vì nó nằm về phía Đông của dinh trấn Thanh Chiêm nên gọi là xã Vạn Đông, về sau cải thành Văn Đông.
Cần Húc nằm gần sông, về mùa mưa lũ hay bị sụt lở, không được an toàn nên ít lâu sau dinh trấn Quảng Nam lại được dời về Thanh Chiêm (nay là thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Trường hợp này cũng tương tự như thành Điện Hải (Đà Nẵng), lúc đầu do Nguyễn Văn Thành xây năm 1813 thời Gia Long, vì nằm gần biển thường bị sụt lở nên đến thời Minh Mạng, nhà vua sai Trường Văn Minh xây thành mới lùi vào bên trong cách thành cũ khoảng vài trăm mét.
Dinh trấn Thanh Chiêm, lỵ sở mới của Quảng Nam dinh được xây dựng sau lỵ sở Cần Húc không rõ năm nào. Các thư tịch cổ của triều Nguyễn cũng không có nơi nào ghi lại rõ ràng niên đại ra đời của dinh trấn Thanh Chiêm trên đất Điện Bàn. Nhưng địa danh Thanh Chiêm, Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm theo cách gọi của các tài liệu sử Việt Nam, Chiêm Thượng theo cách gọi của người Trung Hoa, Caccoiam, Dinh Ciam, Ca Chão theo cách gọi của các Giáo sỉ Tây phương đến truyền giáo ở Đàng Trong đã được nêu lên trong các sách của nước ta và nước ngoài vào đầu thế kỷ XVII:
Dinh trấn Thanh Chiêm là nơi đào tạo các chúa ở Đàng Trong
Dinh trấn Thanh Chiêm, có thể xem là kinh đô thứ hai của chúa Nguyễn sau chánh dinh ở Thuận Hóa, tại đây, quan trấn thủ Quảng Nam dinh sống và làm việc, được toàn quyền quyết định mọi vấn đề thuộc lãnh địa của mình. Đây cũng chính là nơi các thế tử thực tập làm chính sự để nối ngôi chúa mai sau. Thời kỳ đầu, từ khi Dinh trấn mới được thành lập năm 1602 cho đến năm 1648, các quan trấn thủ hầu hết là những Hoàng tử của các chúa Nguyễn, ngoại trừ Bùi Hùng Lương được cử làm Chưởng dinh trấn thủ Quảng Nam năm 1635.
Quan trấn thủ đầu tiên của Quảng Nam là Thế tử Thái Bảo Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên, Hoàng tử thứ sáu của chúa tiên Nguyễn Hoàng. Bằng tài năng xuất chúng của mình, ông đã không phụ lòng tin của chúa. Nhờ những đóng góp của quan Trấn thủ mà dưới thời Nguyễn Hoàng tình hình kinh tế, xã hội ở xứ Đàng Trong được ổn định, đời sống của nhân dân yên ổn.
Sau khi Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi chúa, con cả của ông là Thế tử Chưởng cơ Hữu phủ Chưởng phủ sự Nguyễn Phúc Kỳ được giữ chức trấn thủ Quảng Nam từ năm 1613. Ông đã sống và làm việc ở dinh trấn Thanh Chiêm cho đến lúc qua đời. Mặc dù ông quản lãnh Quảng Nam dinh chỉ có mười mấy năm (vì mất sớm), nhưng nhờ lòng nhân đức và sự tận tụy của mình, ông đã đem lại cho xứ sở này một nền chính trị ổn định, kinh tế ngoại thương phát triển.
Sau khi Khánh Quận công Nguyễn Phúc Kỳ qua đời đột ngột, năm 1632, chúa Sãi phong hoàng tử thứ hai là Phó tướng Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan làm Thế tử và cử Hoàng tử thứ ba là Dương Nghĩa Hầu Nguyễn Phúc Anh là Phó tướng trấn thủ Quảng Nam dinh.
Năm 1635, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mất, Thế tử Nguyễn Phúc Lan được lập làm chúa Thượng, Nguyễn Phúc Anh làm phản, bị tử hình. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan phong cho Bùi Hùng Lương chức Chưởng cơ, trấn thủ Quảng Namdinh.
Đến thời kỳ Thế tử Thái phó Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần làm trấn thủ (khoảng 1638-1648), Quảng Nam dinh phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, nổi bật nhất là quân sự với những chiến công lẫy lừng còn ghi trong sử sách.
Có thể nói, trong buổi đầu dựng nghiệp của nhà Nguyễn, dinh trấn Thanh Chiêm là cơ sở đào luyện các quốc vương của Đàng Trong. Các Thế tử qua nhiều năm cai quản dinh Quảng Nam đã rút được những kinh nghiệm quý giá trong việc điều hành chính sự nên khi lên ngôi chúa rất vững vàng, bản lĩnh và đầy năng lực.
Dinh trấn Thanh Chiêm là hậu phương vững chắc của Chính dinh trong sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ và mở đất phương Nam
Nhờ đất đai màu mỡ Quảng Nam dinh là vùng sản xuất nhiều lương thực ở Đàng Trong so với dinh Quảng Bình và Chính dinh, hải sản phong phú, nhiều mỏ kim loại quý nhất là mỏ vàng.
Về kinh tế, ngoại thương, dinh Chiêm chính là cơ quan đầu não, trực tiếp giao thiệp với người nước ngoài, kiểm soát xuất nhập khẩu và ngoại thương. Các tàu buôn, thương gia, du khách hay giáo sĩ ngoại quốc vào xứ Nam đều do hai cửa Đà Nẵng, Hội An phải trình báo về dinh Chiêm và đợi lệnh của quan Trấn thủ. Từ khi dinh trấn Quảng Nam được thành lập, việc giao thương với nước ngoài phát triển mạnh mẽ. Hội An là một thương cảng tấp nập, phồn vinh, thuyền bè các nước Tây phương, Trung Hoa, Ma-cao, Nhật Bản, Manila, Malacca… thường xuyên đến buôn bán.
Khi làm trấn thủ Quảng Nam dinh, thế tử Nguyễn Phúc Nguyên đã tổ chức Hội chợ quốc tế hàng năm ở cảng thị Hội An, nhờ thế đã thu được lợi nhuận lớn từ thuế hàng hóa và thuế hải khẩu. Ông còn cho người Nhật, người Hoa lập phố Nhật và phố Khách tại đây để buôn bán và cấp đất cho người Bồ Đào Nha mở thương điếm tại cảng Đà Nẵng. Với một chính sách thông thoáng, mở cửa giao thương với nước ngoài và các quan trấn thủ Quảng Nam dinh và các chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho Quảng Nam phát triển thành vùng đất giàu có vào bậc nhất của xứ Đàng Trong, đóng góp rất lớn vào ngân sách của Chính dinh và nâng cao đời sống của nhân dân.
Về quân sự, Dinh trấn Thanh Chiêm là một căn cứ thủy lục quân hùng mạnh nhất của xứ Đàng Trong, có các binh chủng: Bộ binh, Tượng binh, Kỵ binh và Thủy binh.
Bộ binh của chúa Nguyễn được trang bị vũ khí mua của các nước Nhật Bản, Bồ Đào Nha như mã tấu, trường đao, áo giáp, bảo kiếm, đại bác và thuốc súng.
Luật tuyển quân của chúa Nguyễn rất nghiêm ngặt, người lính phải thường xuyên luyện tập theo một kỷ luật sắt.
Tượng đội dưới quyền quản lý của quan trấn thủ gồm hàng trăm voi chiến, đó là loại binh chủng vô cùng lợi hại. Thời bấy giờ, rừng núi Đàng Trong có rất nhiều voi, nhất là ở Quảng Nam. Tượng đội của dinh trấn Thanh Chiêm gồm 3 cơ: Hữu cơ, Tả cơ, Trung cơ là binh chủng nổi tiếng của xứ Đàng Trong.
Đàng Trong cũng thành lập nhiều đơn vị Kỵ binh vì có rất nhiều ngựa. Khi tác chiến, không chỉ Tượng đội đã làm cho đối phương khiếp sợ mà các đoàn Kỵ binh với những ngọn lao vun vút phóng ra còn khiến họ hãi hùng hơn nữa. Dưới thời chúa Nguyễn, Thanh Chiêm là một căn cứ thủy quân hùng mạnh nhất trong số ba căn cứ thủy quân ở Đàng Trong là Chính dinh, Quảng Nam dinh và Trấn Biên dinh.
Nhờ có quân lực hùng mạnh, dinh trấn Thanh Chiêm đã giữ một vị trí vô cùng quan trọng: vừa là hậu phương vững chắc của Chính dinh để đối đầu với quân Trịnh và các lực lượng ngoại bang bảo vệ lãnh thổ, vừa là bàn đạp để vươn tới phương Nam.
Quảng Nam dinh đã yểm trợ đắc lực cho kinh đô và tiếp cứu cho Quảng Bình để chận đứng các cuộc tiến công của quân Trịnh. Trong những lần chúa Trịnh đem quân xâm lấn Đàng Trong, quân đội của Quảng Nam dinh đều tham gia để chống trả. Nổi bật nhất là trận đánh năm Mậu Tý 1648 do Thế tử Nguyễn Phúc Tần lúc ấy đang làm trấn thủ Quảng Nam dinh chỉ huy. Nhờ sự phối hợp tác chiến của các binh chủng, đặc biệt là Tượng đội, Đàng Trong đã đánh thắng quân Trịnh, bắt sống các tướng và 3 vạn tàn quân. Số tàn binh bắt được bị giải vào Nam, chia ra từng nhóm 50 người làm một ấp, cấp lương thực, trâu bò để họ khai khẩn ruộng hoang tính kế lâu dài. Từ đó, từ Điện Bàn, Thăng Bình đến Phú Yên làng mạc liền nhau, dân cư không còn thưa thớt như trước.
Với đạo thủy quân đóng trên sông Chợ Củi của Dinh Chiêm, năm 1644 Thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần đã anh dũng đánh tan quân Hà Lan, một đội quân vô địch trên mặt biển Đông. Thuyền trưởng Hà Lan Peter Back buộc phải cho nổ kho thuốc súng trên tàu, tàu cháy, hàng năm thủy thủ phải bỏ mạng. Nguyễn Phúc Tần là người đầu tiên đã ghi vào lịch sử chiến công oanh liệt đánh thắng quân Tây.
Dưới thời các chúa Nguyễn, lãnh thổ của nước ta không ngừng được mở rộng về phương Nam, trong các đợt mang gươm đi mở cõi, dinh trấn Thanh Chiêm giữ một vai trò vô cùng quan trọng, từ nhân lực đến vật lực phần lớn đều do dinh Chiêm cung ứng.
Cuộc Nam tiến khởi đầu từ thời chúa tiên Nguyễn Hoàng. Năm 1611, Chiêm Thành xâm lấn biên giới, chúa sai chủ sự Văn Phong đem quân đi đánh, lấy được đất mới, lập ra phủ Phú Yên.
Đến đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, năm Quý Tỵ (1653), vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, chúa sai cai cơ Hùng Lộc làm Thống binh, Xá sai Minh Vũ làm Tham mưu đem 3.000 quân đi đánh. Quân ta vượt đèo Hổ Dương núi Thạch Bi đánh thẳng vào thành. Bà Tấm trốn chạy, ta lấy đất đến sông Phan Rang, lập dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa) giao cho Hùng Lộc trấn giữ. Chiêm Thành phải giữ lệ triều cống như trước.
Năm 1658, vua nước Chân Lạp là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy, chúa Hiền sai Phó tướng Trấn biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc đem 3.000 quân đến thành Hưng Phúc (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, nay thuộc tỉnh Biên Hòa) bắt Nặc Ông Chân đưa về. Sau chúa tha tội cho Nặc Ông Chân về nước làm vua, hàng năm phải nộp cống.
Tháng 8-1692, vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Cai cơ Nguyễn Hữu Kính làm Thống binh, văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu suất lãnh quân Chính dinh, cùng quân Quảng Nam và Bình Khang đi đánh. Năm 1693 Nguyễn Hữu Kính đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ chạy rồi bị bắt, chúa sai đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành, sau đó đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận, toàn bộ phần đất còn lại của Chiêm Thành đã thuộc về chúa Nguyễn. Tháng 10-1714, Nặc Thâm nước Chân Lạp cùng bầy tôi là Cao La Hâm dấy binh vây Nặc Yêm phải cầu viện với hai dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho Đô đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú định đoạt. Chúa sai Cai cơ Tả bộ dinh Bình Khang là Nguyễn Cửu Triêm lãnh 26 thuyền của quân thủy bộ của dinh Bình Khang để ứng tiếp, lấy 4 thuyền cơ Tả thủy dinh Quảng Nam để tiếp giữ dinh Bình Khang.
Năm 1757, Nặc Nguyên nước Chân Lạp chết, Nặc Nhuận phải hiến cho chúa Nguyễn Phúc Khoát hai phủ Trà Vinh, Ba Thắc để được công nhận lên ngôi. Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh giết để cướp ngôi, sau đó Nặc Hinh bị giết, chúa sắc phong cho Nặc Tôn, con của Nặc Nhuận làm vua nước Chân Lạp, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa. Nặc Tôn lại cắt 5 phủ Hương Úc, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ hiến cho triều đình, chúa cho lệ 5 phủ ấy vào quản hạt Hà Tiên, phần đất cuối cùng của Thủy Chân Lạp thuộc về xứ Đàng Trong. Các chúa Nguyễn đã hoàn tất kế hoạch mở rộng bờ cõi.
Để xây dựng kinh tế, xã hội, văn hóa ở những vùng đất mới này, các chúa Nguyễn đã vận dụng những kinh nghiệm tích lũy được từ Quảng Nam. Chúa cho phép “bọn người Thuận Quảng có vật lực” (những đại địa chủ ở Thuận Quảng) được tự do chiêu mộ dân đi khai khẩn. Họ được hưởng những ưu đãi đặc biệt như: hầu hết ruộng đất khai phá được đều trở thành ruộng tư của họ, được mua nhân công, lập ra thôn ấp thì được giữ chức sắc cao nhất của thôn ấp đó, được ưu đãi về thuế.
Quảng Nam dinh không chỉ đã cung ứng cho các chúa Nguyễn những đội quân tinh nhuệ để mở đất phương Nam mà còn cung ứng cho miền Nam những địa chủ giàu kinh nghiệm và những người lãnh đạo công cuộc khẩn hoang tài ba như Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại để xây dựng thành công vùng đất giàu có vào bậc nhất của tổ quốc.
Tháng 1-2008, Dinh trấn Thanh Chiêm đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Di tích lịch sử. Thanh Chiêm không chỉ là di tích của Quảng Nam mà còn là di sàn chung của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định khi còn là một dải đất liền trong Quảng Nam Dinh từ Hải Vân đến chân núi Thạch Bi. Mong rằng một ngày gần đây dinh trấn Thanh Chiêm sớm được khôi phục để giới thiệu với bạn bè quốc tế một địa chỉ đã từng là thủ phủ của một vùng đất giàu có vang bóng một thời.
Theo Châu Yến Loan - Nguyễn Thiếu Dũng
(Tạp chí “XƯA VÀ NAY”, cơ quan của
Hội khoa học lịch sử Việt Nam, số 318 tháng 10/2008) https://xuanay.vn
Xem thêm https://vi.wikipedia.org/wiki/Quảng_Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn