Lai lịch
Vĩnh Điện chạy vắt ngang thị xã Điện Bàn, theo hướng tây nam - đông bắc, dài độ 30km, trong đó có gần 10km thuộc địa phận TP. Đà Nẵng. Sông lấy nước từ nguồn Vu Gia, Thu Bồn, trên địa phận làng Câu Nhí, chảy qua nhiều làng xã của Điện Bàn như Điện Phước, Điện An, Vĩnh Điện, Điện Nam, Tứ Câu, Cẩm Sa… và Đà Nẵng như Hóa Khuê, Quá Giáng, Mân Quang… nhập vào sông Cẩm Lệ rồi vào sông Hàn và đổ ra Biển Đông. Tuy là một sông ngắn, Vĩnh Điện cũng giống nhiều sông khác của nước ta, mỗi đoạn chảy lại mang một tên khác nhau. Đoạn sông từ cầu Tứ Câu cho đến khi nhập vào sông Cẩm Lệ, sông được người dân địa phương gọi bằng nhiều tên như Tứ Câu, Cổ Mân, Mân Quang. Cả đoạn từ cầu Tứ Câu ra đến Cồn Dầu (Hòa Xuân) có người còn gọi là sông Cái. Trên một số bản đồ, còn được ghi là sông Đô Toa, mà cho đến nay vẫn không rõ nguồn gốc của tên gọi này.
Tuy chỉ là con sông đào nhưng sông Vĩnh Điện lại có vai trò quan trọng, nhiều ý nghĩa. Trước hết sông là tuyến vận tải hàng đầu, điều này được xác nhận bởi chính người chủ trương đào sông. Khi giao trách nhiệm cho Trương Văn Minh nhà vua đã chỉ dụ: “Đây là việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía Nam kinh kỳ…”. Vì vậy 11 năm sau, vào năm 1836, nhà vua đã cho khắc tên dòng sông này vào Dụ đỉnh, một trong Cửu đỉnh đặt ở Thế miếu trong Đại Nội Huế, tượng trưng cho vương quyền.
Tiềm năng
Vai trò của con sông cũng thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Ngày trước vai trò chính của con sông là “tuyến vận tải trọng yếu”, nối hậu phương cung cấp hàng hóa cho cảng Đà Nẵng, là cảng “duy nhất được phép buôn bán với nước ngoài”. (Năm 1835, Minh Mạng đã ra chỉ dụ bắt buộc các tàu buôn nước ngoài đến buôn bán với nước ta phải cập cảng Đà Nẵng).
Sông Vĩnh Điện được khắc trên Dụ Đỉnh (một trong Cửu đỉnh ở Huế). Ảnh: LÊ THÍ |
Bên cạnh vai trò về giao thông vận tải, sông Vĩnh Điện cũng có ý nghĩa lớn về mặt quân sự. Đây là một trong hai gọng kìm về thủy quân bảo vệ tỉnh thành Quảng Nam ở La Qua (từ cảng Cửa Đại theo sông Thu Bồn và cảng Đà Nẵng theo sông Vĩnh Điện). Năm 1858, khi Pháp tấn công Đà Nẵng, vua Tự Đức sai quan tỉnh Quảng Nam, cho lấp sông Vĩnh Điện, khiến cho thế nước dồn chảy về cửa Đại, làm mực nước sông hạ thấp, tàu Pháp không thể tiến vào đánh chiếm tỉnh thành La Qua và quân triều đình chỉ còn lo phòng thủ trên một mặt trận mà thôi. Nhà vua cũng cho thiết lập một trận địa pháo dọc theo sông, mà ngày nay dấu tích còn ở các làng Tứ Câu (Điện Ngọc) và Quá Giáng (Hòa Phước). Năm 1886, khi chọn căn cứ Trung Lộc (Nông Sơn) làm Tân tỉnh, Nguyễn Duy Hiệu cũng nhắm đến sông Vĩnh Điện trong thế tiến, thủ. Tại Phường Rạnh, Nguyễn Duy Hiệu xây dựng một điểm phòng thủ kiên cố nhằm ngăn chặn quân Pháp và Nguyễn Thân có thể từ Đà Nẵng tấn công lên. Rồi nếu gặp cơ hội nghĩa quân cũng có thể từ Trung Lộc theo sông Vĩnh Điện mà tấn công chiếm Đà Nẵng và vùng phụ cận.
Không những có vai trò về vận tải và quân sự, ngày đó sông Vĩnh Điện còn là công trình thủy lợi quan trọng. Điều này được Phạm Phú Thứ nhấn mạnh trong bản tấu trình của mình nhân chuyện sông Vĩnh Điện bị khô cạn, bồi lấp: “... duy việc khơi xoi tắc nghẽn đường sông là việc tối quan hệ đến lợi lớn nhà nông”.
Ngày nay vai trò về quân sự của con sông không còn nhưng vai trò về vận tải và thủy nông là khá lớn. Về vận tải, hàng năm trên sông Vĩnh Điện có cả triệu tấn hàng được vận chuyển gồm nông lâm thổ sản, khoáng sản... Về thủy nông, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, đòi hỏi phải đảm bảo nguồn nước để đẩy mạnh thâm canh trên những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật” ở hai bên sông thuộc bộ phận phía đông của thị xã, có diện tích hơn 2.000ha.
Việc kết hợp khai thác toàn diện với bảo vệ dòng sông Vĩnh Điện sẽ là chiến lược giúp phát triển bền vững, nhất là khi bước đầu Điện Bàn trở thành thị xã và dòng sông đang từng bước trở thành “con sông di sản”.
tác giả: Lê Thí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn