Internet ngày càng len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống, khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo ngày càng được thu hẹp. Theo báo cáo của Ủy ban băng rộng Liên Hợp Quốc, hiện nay hơn 40% dân số thế giới đã kết nối trực tuyến và đến năm 2017 sẽ có hơn 50% dân số toàn cầu truy cập Internet.
Cùng với đó, xu hướng mua sắm trực tuyến sẽ ngày càng phát triển. Theo nghiên cứu của Cimigo (tập đoàn độc lập chuyên về lĩnh vực Nghiên cứu thị trường và thương hiệu) sẽ có khoảng “90% số người truy cập Internet có tham gia mua hàng trực tuyến trong tương lai”. Con số này cho thấy sự tăng trường nhanh chóng về mức độ tham gia dịch vụ Thương mại điện tử của người tiêu dùng.
Số lượng người lớn tuổi sử dụng mua hàng trực tuyến ngày càng gia tăng, theo nghiên cứu của Research Now, có tới 45% những người trên 50 tìm thông tin về sản phẩm thông qua internet.
Trong tương lai theo Iprospect, một nửa những người trên 70 và gần 70% những người từ 50-70 tuổi ở Anh cũng lướt Facebook nhiệt tình và hành vi tiêu dùng trực tuyến của họ cũng không khác mấy những người 30 tuổi. Chính vì sự “già hóa” trong mua bán trực tuyến này mà hoạt động thương mại điện tử trong tương lai sẽ càng phát triển và mở rộng đối tượng hướng tới người già hơn.
Nếu như trước đây, điện thoại chỉ là công cụ liên lạc thì giờ đây với sự phát triển của công nghệ cùng xu hướng tích hợp mọi tính năng vào chiếc smartphone all-in-one điện thoại đã trở thành công cụ kết nối Internet hữu hiệu. Chính vì vậy, cuộc sống của con người ngày càng “gắn chặt” với chúng, nó được ví như một dạng “thuốc phiện mới”.
Vì vậy các doanh nghiệp đang ngày càng phát triển thị trường kinh doanh trực tuyến trên điện thoại di động và dần đưa nó trở thành xu hướng mua bán phổ biến trên toàn cầu. Ví dụ doanh thu bán hàng của di động của eBay đã đạt gần 2 tỷ USD trong năm 2010. Vào năm 2011, con số này đã lên đến 5 tỷ USD, tăng gần 2 lần. Hay Theo số liệu mùa thu năm 2013 của IBM Core Metrics, thương mại di động của Mỹ chiếm 9,8% doanh thu thương mại điện tử trong 1 ngày.
Tại Việt Nam, trong số hơn 30 đơn vị lớn nhỏ đang tham gia thị trường thương mại điện tử, đã có khoảng 1/3 trong số đó phát triển thêm ứng dụng cho phép người dùng xem và đặt hàng trên smartphone như: Lazada, Zalora, Vatgia, NhomMua hay Hotdeal.
Theo nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường IHS, số người sử dụng smartphone năm 2017 sẽ đạt 1.5 tỷ người và có xu hướng ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, Mobile retailing hay m-commerce cũng sẽ trở thành hình thức kinh doanh trực tuyến chủ yếu, đáp ứng xu hướng mới trong tâm lý khách hàng.
Social commerce ra đời trong thời đại các mạng xã hội và các nhóm hoạt động được kết hợp với thương mại điện tử và bán lẻ trực tiếp. Điểm mạnh tạo nên thành công của thương mại xã hội là tạo sự vui thích cho khách hàng để họ tuyên truyền cho những người khác thông qua mạng xã hội.
Hiện nay, 42% người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội làm nghiên cứu các sản phẩm mà họ muốn mua trên các mạng xã hội đặc biệt là facebook bởi vì tỷ lệ các nhấp chuột thông qua đường facebook đạt tới 6,5% trong khi các hình thức khác trong việc nỗ lực marketing trực tuyến như banner quảng cáo nếu được xem là thành công chỉ có 2% tỷ lệ nhấp chuột.
Bên cạnh đó báo cáo của eConsultancy cho biết 90% khách hàng tin tưởng lời giới thiệu của những người họ đã biết, và những nhà bán lẻ trên Facebook gần đây đã thông báo 67% khách hàng dành nhiều thời gian hơn cho mua sắm sau khi nghe lời khuyên của những người bạn, những cộng đồng trên mạng.
Chính vì vậy trong tương lai, với sự ra đời và phát triển của nhiều trang mạng xã hội khác như twitter, Instagrams, Google+,… xu hướng thương mại xã hội cũng mở rộng theo.
Nguồn blog.bizweb